Lưu thông lúa gạo, trái cây vẫn khó

Lúa hè thu và trái cây ở ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch. Thực tế hiện nay cả doanh nghiệp và nông dân đều than khó trong việc thu mua tiêu thụ.

Do tình hình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên mặt hàng lúa gạo ở ĐBSCL bị ảnh hưởng nhiều do hoạt động vận chuyển. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Khó vận chuyển, giá lúa giảm

Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Trung An, do tình hình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên ảnh hưởng nhiều đến hoạt động vận chuyển mặt hàng lúa gạo.

Tình hình thị trường xuất khẩu gạo vẫn bình thường nhưng vận tải đường biển tiếp tục tăng giá. Giá vận tải 1 container 20 feet tăng gấp 10 lần và giá mỗi tháng thay đổi, tăng giá không biết trước.

Trong khi đó tuyến vận tải đường bộ từ Thốt Nốt (TP Cần Thơ) về TP. HCM, trước đây cước phí 250.000 đồng/tấn nhưng hiện thời tăng lên 1 triệu đồng/tấn.

Một số doanh nghiệp mua gạo chuyển về TP.HCM hàng theo các gói vận động cứu trợ, từ thiện than trời vì khó khăn bởi các chốt kiểm dịch, nhất là khi vào thành phố.

Hiện nay, lúa hè thu 2021 trên các cánh đồng lớn của Công ty Trung An đã thu hoạch xong. Các cánh đồng lớn khác của Công ty Trung An cũng sắp thu hoạch tại khu vực Tứ giác Long Xuyên (thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang) chiếm khoảng 30-40% nhu cầu.

Tuy nhiên, hiện thời tìm ghe vận chuyển thu mua lúa từ đồng về nhà máy khó khăn. Vùng nông thôn, nông dân chủ yếu bán lúa qua thương lái. Tuy vậy, thị trường lúa trong vùng ít biết động, thương lái ngại rủi ro, sợ lỗ nên ít cho ghe về đồng thu mua.

Hiện nay, hầu hết các giống lúa đều có giá bình quân trên 5.000 đồng/kg, OM18 giá 6.100-6.200 đồng/kg. Nếu không có ghe về thu mua vận chuyển thì lúa vào mùa gặt chưa biết tiêu thụ ra sao.

Tại Tiền Giang, ông Võ Quốc Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Đạt, cho biết: Hiện nay, giá gạo xuất khẩu còn 390 USD/tấn, giảm mạnh so với lúc trước (500 USD/tấn). Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên một số doanh nghiệp phải đóng cửa vì không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” và vì lo ngại ảnh hưởng sức khỏe.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên một số doanh nghiệp phải đóng của vì không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” và vì quan ngại ảnh hưởng sức khoẻ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cũng theo ông Võ Quốc Hưng, cơ chế thu mua lúa của nông dân tại ĐBSCL như sau: Cò lúa sẽ mua lúa của nông dân sau đó bán cho hàng xáo. Hàng xáo bán cho doanh nghiệp xuất khẩu hoặc bán cho nhà máy xay xát. Sau đó nhà máy xay xát bán cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Do có nhiều khâu trung gian nên khi thực hiện giãn cách xã hội thì một số khâu bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như cò lúa không thể đi mua lúa. Hàng xáo không được cấp luồng xanh. Hàng xáo sợ bệnh không đi. Doanh nghiệp đông công nhân sợ dịch bệnh nghỉ. Từ đó, ảnh hưởng đến việc thu mua lúa, cũng như kéo theo giá lúa giảm.

Trái cây vẫn neo chờ thương lái

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, HTX Mekong Green than thở: Hơn một tuần qua HTX không thể mua bán được gì. Trong khi đó, trước thời điểm giãn cách xã hội, bình quân mỗi ngày HTX thu mua xuất đi Hà Nội, TP.HCM 5 - 10 tấn trái cây/ngày. Bây giờ, không tìm ra xe tải chở hàng. Các chủ xe tải cũng nằm ngắc ngứ.

Hiện nay, HTX còn tồn 2 tấn dưa lưới, còn bưởi ngoài vườn phải thương lượng với các chủ vườn cho treo cây chờ đợi tình hình những ngày tới.

Tại Bến Tre, diện tích cây ăn trái thu hoạch tháng 7 khoảng 700ha, sản lượng khoảng 6.900 tấn. Trong tháng 8 thu hoạch khoảng 730 ha, sản lượng 7.150 tấn. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc lưu thông, tiêu thụ khó khăn, nhất là đối với chanh, nhãn.

Anh Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc HTX Phú Thuận (xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết: Do sản phẩm không sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên không thể tiêu thụ được ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Từ hôm chợ đầu mối đóng cửa đến nay và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, HTX không xuất hàng được chuyến xe nào. Hiện HTX còn đang tồn đọng khoảng 7 tấn nhãn xuồng cơm vàng và 70.000 trái dừa xiêm.

Tại Trà Vinh, theo Sở NN-PTNT tỉnh dự kiến sản lượng trái cây thu hoạch trong tháng 7 trên 24 nghìn tấn, tháng 8 khoảng 23 nghìn tấn. Ngoài đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh còn có khả năng cung cấp ra ngoài tỉnh 10 nghìn tấn. Huyện Cầu Kè là địa phương có sản lượng trái cây lớn nhất của tỉnh Trà Vinh.

Theo ông Trương Thanh Đệ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Kè, hiện nay, huyện Cầu Kè có 7 mặt hàng nông sản cần liên kết tìm đầu ra cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều nhất là nhãn xuồng cơm vàng với sản lượng 135 tấn, ổi 50 tấn, đu đủ 24 tấn, chanh 4 tấn, bắp nếp 15 tấn, sả 1,7 tấn và rau má, ngò gai 1,2 tấn.

Cũng theo ông Đệ, do ảnh hưởng dịch bệnh, bà con nông dân huyện Cầu Kè khó tiêu thụ nhãn xuồng cơm vàng. Liên minh HTX tỉnh phối hợp cùng Hội Nông dân huyện Cầu Kè, hỗ trợ tiêu thụ, với giá mua cho bà con là 10.000 đồng/kg, chi phí vận chuyển về TP Trà Vinh do Liên minh HTX tỉnh vận động HTX thành viên hỗ trợ.

Hoạt động mua bán trái cây ở khu vực ĐBSCL, nhất là thu gom trái cây từ xã này sang xã khác vô cùng khó khăn đối với thương lái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, cho biết: Những ngày gần đây do thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên hoạt động của HTX vô cùng khó khăn. HTX có hai mảng kinh doanh là mua bán trái cây và 5 cửa hàng bán lẻ nhu yếu phẩm.

Tuy nhiên, hoạt động mua bán trái cây nhất là thu gom trái cây từ xã này sang xã khác vô cùng khó khăn. Do đó, hoạt động của HTX Vĩnh Kim giảm dần đến hôm nay đã nghỉ hẳn. Còn nhân viên bán hàng tại cửa hàng theo quy định cũng phải test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 nên đã nghỉ ba ngày nay.

Theo ông Sơn, trước lúc thực hiện giãn cách xã hội, mỗi ngày HTX thu mua, tiêu thụ từ 20-30 tấn trái cây cho nông dân. Tuy nhiên, thực hiện giãn cách xã hội nông dân không thể đem trái cây đến bán và HTX đi thu mua khó khăn nên đến nay đã tạm nghỉ. Theo ông Sơn, vấn đề ở đây cần giải quyết là lưu thông còn khó khăn.

Ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Đồng Tháp), cho biết: Châu Thành là một trong những địa phương có diện tích trồng nhãn lớn nhất tỉnh. Trong năm 2021, diện tích nhãn trên địa bàn huyện khoảng 3.660ha, sản lượng ước đạt 55.119 tấn. Tuy nhiên, địa phương đang thực hiện cách ly xã hội nên việc tiêu thụ nhãn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tháng 7 và tháng 8 sẽ có hơn 4.700 tấn nhãn đến lúc thu hoạch.

Tại các vùng trồng nhãn, nhất là khu vực phong tỏa phải chịu thiếu hụt nhân công lao động thực hiện các công việc như: thu hoạch, bốc xếp, sản xuất. Trong khi đó, trái nhãn có tính thời vụ, tiêu thụ ngắn ngày nên ảnh hưởng thời gian vận chuyển đến các đơn vị, doanh nghiệp thu mua.

Theo ghi nhận, nhiều nhà vườn trồng nhãn ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) còn gặp nhiều khó khăn, nhãn đến ngày chín mà chưa kêu được thương lái đến mua. Mặc dù giá nhãn đang xuống mức thấp, nhãn cơm xuồng thay vì trước đây 3 tháng giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, nay giảm còn 8.000 đồng/kg mà không bán được. Nông dân trồng nhãn than lỗ vì chi phí đầu tư năm nay cái gì cũng tăng nhưng cuối vụ lại không bán được.

Ông Nguyễn Văn Công, Chủ nhiệm Hội quán Nhãn xuồng cơm vàng An Hòa, ở xã An Khánh, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết: Hội quán có tổng cộng 22ha, với 30 thành viên trồng nhãn cơm xuồng, tính đến thời điểm này mới được tiêu thụ phân nửa, giá 15.000 -18.000 đồng/kg cách đây 2 tuần trước. Từ khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng, số nhãn còn lại của nông dân trong Hội quán khoảng 16-20 tấn chưa được tiêu thụ.

Minh Đàm - Hoàng Vũ - Hữu Đức


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn