Giá gạo châu Á 'sụp đổ' do Covid-19

Giá gạo xuất khẩu tại các trung tâm gạo hàng đầu châu Á tuần này cũng lao dốc mạnh.

Mỗi quốc gia có lý do riêng khiến giá gạo giảm.




Lần đầu tiên kể từ ngày 19/12/2019, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và Việt Nam đều giảm xuống dưới 400 USD/tấn (FOB), theo dữ liệu của S&P Global Platts.

Điều này gây bất ngờ khi mà đúng một tháng trước đây, cả 4 loại gạo này đều có giá trên 400 USD/tấn, cũng theo dữ liệu của Platts. Trước đó không xa, vào cuối tháng 3/2021, gạo trắng 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam đều có giá trên 500 USD/tấn, FOB.

Theo dữ liệu của Refinitiv, giá gạo xuất khẩu tại các trung tâm gạo hàng đầu châu Á tuần này cũng lao dốc mạnh. Theo đó, gạo 5% tấm của Việt Nam chạm đáy 16 tháng, là 395 - 400 USD/tấn, so với mức 465 - 470 USD/tấn cách đây một tuần; gạo cùng loại của Thái Lan thậm chí thấp nhất 20 tháng, là 395 - 400 USD/tấn (so với 405 - 412 USD/tấn cách đây một tuần); gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ thấp nhất 16 tháng, là 361 – 366 USD/tấn (so với 364 - 368 USD của tuần trước).

Mỗi quốc gia có  lý do riêng khiến giá gạo giảm. Hàng năm, giá gạo châu Á thường giảm vào khoảng tháng 6 – 8. Tại Pakistan, các nhà xuất khẩu tìm cách dọn kho trước khi bước vào vụ thu hoạch, từ cuối tháng 8. Trong khi đó, cả Thái Lan và Việt Nam đều đang thu hoạch lúa trái vụ; Ấn Độ cũng vừa kết thúc vụ lúa rabi trái vụ.

Tuy nhiên, với việc giá gạo trắng FOB quay về dưới 400 USD/tấn lần này, thị trường gạo có vẻ đã "quay đầu" sau những đợt tăng giá đột biến trong một năm rưỡi vừa qua.

Rõ ràng, bên cạnh việc giá gạo đang giảm theo mùa vụ thì một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự "sụp đổ" giá gạo gần đây chính là tác động tiêu cực của COVID-19 với những khó khăn mà đại dịch gây ra cho việc vận chuyển, như thiếu container hay đứt gãy chuỗi cung ứng.

"Người mua biến mất"

Nhiều nhà xuất khẩu gạo châu Á gần đây cho biết khách hàng của họ biện minh cho việc không mua gạo là do cước phí vận tải chứ không phải do giá FOB.

Một nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ thông tin với Platts rằng: "Nhu cầu là có, nhưng do các vấn đề về container nên rất khó để thực hiện những hợp đồng kinh doanh mới". Trong khi đó, một nhà xuất khẩu ở Thái Lan xác nhận rằng khách hàng của họ có nhu cầu - đặc biệt là sau khi giá FOB giảm - "nhưng người mua biến mất khi được báo giá cước phí".

Một nhà môi giới châu Âu hôm 16/7 cho biết nếu họ phải trả giá 320 USD/tấn (FOB FCL) cho gạo tấm Myanmar chất lượng cao, cước vận chuyển đến Bắc Âu trung bình khoảng 9.000 USD/TEU. Trên cơ sở 25 tấn/TEU, tương đương với giá cước vận chuyển là 360 USD/tấn, cao hơn 13% so với giá thành của sản phẩm gạo đó.

Nhiều tháng nay, rất khó để tìm được tàu chở hàng do nhu cầu cao trong khi nguồn cung thấp. Một thương nhân Châu Âu mới đây thông báo "không thể tìm thấy" các container ở Ấn Độ, trong khi một thương nhân khác ở Châu Âu cho biết: "rất khó để có được container ở Thái Lan, nhưng không phải là không thể. Nếu bạn trả đúng giá."

Ngay cả khi tìm được tàu chở hàng thì cũng không có gì đảm bảo người thuê sẽ được sử dụng con tàu đó. Một nhà nhập khẩu lớn ở Châu Âu cho biết tình hình vận chuyển hàng hóa hiện đang rất "kịch tính", chủ yếu do việc vận chuyển thường xuyên không được thực hiện như hợp đồng, thậm chí có thể bị thay đổi vào phút cuối. Một nhà xuất khẩu Pakistan đã xác nhận tình huống này và cho biết rằng điều đó thật "nực cười… thậm chí vào phút cuối, họ (các công ty vận chuyển) vẫn hủy hợp đồng," dẫn tới việc đối tác phải tốn thêm nhiều chi phí bổ sung.

Xuất khẩu chững lại

Trong bối cảnh đó, các nhà kinh doanh trên toàn cầu đều giữ thái độ chờ đợi.

Một nhà xuất khẩu gạo Pakistan cho biết nhiều người mua đã hủy đơn đặt hàng mà chuyển sang sử dụng gạo dự trữ đã mua từ trước đó, bởi giá gạo trong nước dù tăng cũng không cao bằng giá gạo nhập khẩu cộng cước phí vận tải ở thời điểm hiện tại.

Điều đó thể hiện ở các số liệu xuất khẩu gạo gần đây. Cục Thống kê Pakistan ước tính rằng xuất khẩu gạo trong tháng 5 đã giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu năm nay của Thái Lan tính đến ngày 11/7 (không bao gồm gạo thơm Hom Mali) đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng giảm mạnh. Theo số liệu của Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của cả nước giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,03 triệu tấn; trong khi kim ngạch 1,65 tỷ USD (giảm 4%). Đáng chú ý, xuất khẩu trong tháng 6 giảm mạnh 30,4% về lượng và giảm 28,7% về kim ngạch so với tháng 5, chỉ đạt 436.140 tấn, tương đương 241,61 triệu USD.

Ngoại lệ duy nhất là Ấn Độ, nơi giá gạo FOB rẻ hơn nhiều so với gạo của các nước Châu Á khác. Theo Tổng cục Thống kê và Tình báo Thương mại, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong tháng 4 đạt 2,02 triệu tấn, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, với việc các quốc gia khác đang đua nhau hạ giá để cạnh tranh với Ấn Độ, rất có thể tốc độ xuất khẩu của Ấn Độ sẽ chững lại, trong khi các nhà xuất khẩu Thái Lan, Việt Nam và Pakistan lại bắt đầu nhận được những đơn đặt hàng mới.

Tại thời điểm này, giá gạo trắng FOB của các nước Châu Á không có sự khác biệt nhiều nên cước vận chuyển và tình trạng nguồn cung gạo sẵn có là những yếu tố quan trọng nhất để các nhà nhập khẩu quyết định có nên ký hợp đồng mua hay không.

Dự báo tình trạng của thị trường gạo hiện tại sẽ khó có thể thay đổi trong những tháng tới, trừ khi có một nước Châu Á nào đó giảm đủ mạnh để đánh bật ví thế mà Ấn Độ nắm giữ trong suốt những tháng gần đây.

Nguồn: Nhịp sống Kinh tế


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn