Gạo Việt hưởng lợi khi giá lương thực toàn cầu tăng

FAO cho biết chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng 2,1% trong tháng 3 năm nay và ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2014.

Giá gạo và đường Việt Nam tăng lần lượt 18,6% và 31,8% so với đầu năm theo giá lương thực thế giới.

Gạo Việt hưởng lợi khi giá lương thực toàn cầu tăng.

Giá gạo, đường đều tăng

Công ty chứng khoán Việt Nam Direct vừa phát hành Báo cáo về ngành nông nghiệp, với nhận định giá lương thực toàn cầu tăng đã tác động tích cực một số doanh nghiệp (DN).

Theo Tổ chức Lương thực quốc tế (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng 2,1% trong tháng 3 năm nay và ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2014. Nguồn cung bị gián đoạn, tỷ lệ dự trữ nông sản thấp và đồng USD suy yếu có thể là nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao gần đây. Xu hướng giá này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do mùa vụ năm 2021 bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi và sự phục hồi “nhanh hơn kỳ vọng” tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu về lương thực tăng cao.

Tại Việt Nam, giá gạo và đường tăng lần lượt 18,6% và 31,8% so với đầu năm theo giá lương thực thế giới. Báo cáo của Việt Nam Direct chỉ ra rằng các DN sản xuất ngành lúa gạo, đường và phân bón sẽ hưởng lợi từ việc tăng giá lương thực toàn cầu này do sản phẩm sản xuất được bán giá cao hơn. Thực tế, đại dịch Covid-19 đang buộc các quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo. Thế nên, nguồn cung tại các nước xuất khẩu gạo có dấu hiệu thắt chặt trong khi các nước nhập khẩu cũng đang đẩy mạnh dự phòng, từ đó đẩy giá gạo lên cao.

Nhóm chuyên gia phân tích tại Việt Nam Direct nhấn mạnh: “Các DN Việt Nam kinh doanh trong ngành gạo có hàng tồn kho giá thấp được hưởng lợi”. Chẳng hạn, Công ty Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG) có các đơn hàng cố định trong nước và quốc tế vào tháng 2, 6 và 9 hằng năm. Giá gạo thế giới tăng sẽ hỗ trợ cho doanh thu xuất khẩu của công ty và cải thiện biên lợi nhuận trong mảng sản xuất, kinh doanh gạo. Hoặc với ngành mía đường, Tổ chức Đường quốc tế (ISO) dự báo thị trường niên vụ 2020 - 2021 sẽ chuyển từ tình trạng “cung vượt cầu” trước đó sang “cung không đủ cầu” với mức thiếu hụt lên tới khoảng 3,5 triệu tấn. Như vậy, giá đường thế giới sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cũng cho rằng gạo Việt đang có nhiều lợi thế do mặt bằng giá lương thực thế giới đều tăng. Ông nói: “Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo, nên vấn đề lương thực thế giới khan hàng là lợi thế của chúng ta. Cơ hội xuất khẩu gạo được nhiều hơn, giá tốt hơn là có. Tính hết quý I năm nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chứng tỏ, giá trị xuất khẩu gạo Việt đang theo kịp giá thế giới và sẽ không bị 'rớt lại đằng sau' như chúng ta từng lo ngại”.

Một thành viên Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, khảo sát về giá đường thế giới của Reuters đưa ra hồi tháng 2 cho thấy, giá đường thế giới trong năm nay sẽ giảm 7%, song theo vị này, tiêu thụ đường toàn cầu trong niên vụ 2020 - 2021 dự báo sẽ tăng kỷ lục, đẩy xuất khẩu đường của thế giới tăng 23% so với niên vụ trước.

“Giá đường trong nước có thể được hưởng lợi do giá thế giới tăng và Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đường nhập khẩu từ Thái Lan, còn xuất khẩu thì 'không chắc chắn' do đường trong nước lâu nay khá chật vật với đường lậu, lo ứng phó với đường lậu là chủ yếu”, vị này nhận xét.

Cơ hội mở rộng thị phần

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trên thị trường thế giới, giá gạo được chào bán giá ổn định. Ngày 27/4, gạo 5% tấm có giá từ 483-487 USD/tấn, gạo 25% tấm giá 458 - 462 USD/tấn, gạo 100% tấm 423-427 USD/tấn và Jasmine giá 558-562 USD/tấn. Tuy nhiên, giá thực tế DN xuất khẩu thường cao hơn.

Ông Phạm Thái Bình cho biết riêng gạo 5% tấm xuất khẩu luôn có giá trên 500 USD/tấn, từ 500 - 520 USD/tấn. Ông nói: “Theo thông tin tôi nắm thì không có DN ký hợp đồng loại gạo này giá dưới 500 USD/tấn. Chúng ta hoàn toàn cạnh tranh tốt với gạo 5% của các nước Ấn Độ, Thái Lan… Riêng gạo thơm cùng loại vẫn còn thua Thái Lan vì họ đã có chiến lược xây dựng thương hiệu gạo quốc gia trước chúng ta một thời gian dài. Tuy nhiên, giá gạo thơm như ST24, ST25 của Việt Nam vẫn xuất khẩu được với giá trên 1.000 USD/tấn, có thể cạnh tranh với gạo thơm của Thái Lan”.

Theo ông Bình, hiện tại gạo cao cấp của Trung An đã xuất khẩu sang 5 nước EU là Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan và Ba Lan. Ông cho hay công ty tự hào bán được giá tốt tại các thị trường này, một phần quan trọng là nhờ có Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, tăng được sản lượng và giá cả. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Giá tăng cũng có giới hạn của nó, gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể chỉ ngang mức nói trên, khó có sự tăng đột biến nữa”.

Có cái nhìn khá lạc quan, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận xét nhiều nông sản Việt xuất khẩu với giá trị lẫn số lượng khá tốt. Tình hình có vẻ khả quan hơn nhiều so với năm trước. Tuy nhiên, ông Nam cũng cảnh báo, giá cao chưa phải là lợi nhuận tăng. Kể từ khi có đại dịch Covid-19 xảy ra, không chỉ có mặt hàng lương thực, tất cả hàng hóa đều tăng giá, chi phí đội lên nhiều hơn, nên giá thành sản phẩm có tăng. Với tình hình hiện tại, giá lương thực tăng thì nhà nông hưởng lợi chứ DN xuất khẩu chưa chắc là lợi. Lý do, giá cước vận tải biển tăng quá nhanh và liên tục, đẩy giá hàng hóa tăng theo trong khi các hợp đồng xuất khẩu thường ký cả năm, không ký theo tháng.

Ông Nam nói: “Nông sản xuất khẩu hiện đối diện khó khăn là bán giá FOB (hàng hóa giao lên tàu là người bán hết trách nhiệm), nhiều khi khách không chịu nhận hàng do giá cước tăng cao quá. DN bán giá CIF (bao gồm tiền hàng, bảo hiểm, cước phí tàu) thì có lỗ do cước tăng cũng phải giao hàng. Thực tế, thương mại toàn cầu hiện tại là thách thức lớn cho các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, nhìn mặt tích cực và về lâu dài, ngành nông sản Việt đang ghi dấu ấn khá tốt trên thương trường quốc tế. Giá bán ra tốt hơn và hàng hóa được mở rộng, tiếp cận đến nhiều thị trường hơn”.

Nguồn: Thanh Niên


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn