Trong tháng 6/2020, Hoa Kỳ rung chuyển với sự kiện biểu tình, cướp bóc – hệ quả của việc một người Hoa Kỳ gốc Phi bị cảnh sát khống chế dẫn đến tử vong. Nhiều tiểu bang bắt đầu dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và quay trở lại với các hoạt động kinh tế nhằm làm giảm nguy cơ suy giảm tăng trưởng cũng như giảm thất nghiệp gây ra bởi đại dịch Covid-19 trong bối cảnh tình hình đại dịch còn diễn biến tương đối phức tạp tại nước này. Điều này cho thấy quyết tâm của tổng thống Donald Trump trong việc vực dậy nền kinh tế của nước này. Số liệu IHS markit cho biết chỉ số sản lượng tổng hợp của Mỹ tăng lên 46,8 trong tháng 6/2020 từ 37 điểm trong tháng 5/2020. Sự cải thiện này được dẫn đầu bởi sự suy thoái của lĩnh vực sản xuất giảm đi, với chỉ số quản lý sức mua tăng lên 49,6 điểm từ 39,8 trong tháng 5/2020. Chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tăng lên 46,7 từ 37,5 điểm trong tháng 5/2020, doanh số bán nhà mới một hộ gia đình ở Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến, cho thấy nền kinh tế đang phục hồi từ suy thoái gây ra bởi khủng hoảng Covid -19.
Kim ngạch xuất khẩu Nông lâm thủy sản (NLTS) của Việt Nam sang thị trường Hoa kỳ tháng 5/2020 vẫn tăng 16,79% so với tháng trước, đạt 703 triệu USD. So với tháng trước, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng đã khởi sắc, đặc biệt là gạo tăng tới 661%, tiếp đến là thịt và các sản phẩm thịt tăng 259%, mây tre đan tăng 54%, gỗ và các sản phẩm gỗ tăng 39%, thủy sản tăng 18%, sản phẩm từ cao su tăng 7%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 3%.
Ngược lại, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với tháng trước là: cà phê giảm 29%, cao su giảm 50%, chè giảm 29%, hạt điều giảm 23%, hạt tiêu giảm 15%, rau quả giảm 5%. So với cùng kỳ thì chỉ có gạo, mây tre đan, cà phê, thức ăn gia súc và nguyên liệu có giá trị xuất khẩu tăng.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 19,9% tổng giá trị xuất khẩu tiêu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2020, so với cùng kỳ năm 2019, thị phần của Hoa Kỳ đã tăng nhẹ 2,2%. Đồng thời, cũng tiếp tục là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Nhật Bản. Tôm và cá ngừ là 2 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất chiếm lần lượt 61,02% và 19,55%. So với tháng trước, xuất khẩu thủy sản giảm 11,3% về lượng nhưng đã tăng 18,6% về giá trị so với tháng trước. Xuất khẩu rau quả cũng có cơ hội khi hiện thị trường Hoa Kỳ đang thiếu cung tỏi trong bối cảnh nguồn cung từ Trung Quốc thời gian qua bị gián đoạn. Đáng chú ý, ngày 22/6, huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La tổ chức công bố lô xoài đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, khẳng định sản phẩm xoài của Sơn La nói chung và Mai Sơn nói riêng đảm bảo uy tín, chất lượng đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Đại dịch Covid-19 mở ra những xu hướng tiêu dùng mới, đặc biệt là nhóm sản phẩm đồ gỗ ngoài trời trong bối cảnh cách ly xã hội. Doanh số bán lẻ trực tuyến của các nhà sản xuất đồ gỗ ngoài trời ở Mỹ tăng trưởng ngoạn mục, tới 20% so với cùng thời điểm năm trước. Theo ước tính của Fox Business, mặt hàng giải trí ngoài trời đã có mức tăng trưởng tới 360% bất chấp những bất ổn từ các cuộc biểu tình tại Mỹ thời gian gần đây. Doanh số bán đồ gỗ ngoại thất tại Mỹ đã tăng tới 225% kể từ ngày 1/4, thời điểm mà chính phủ của Tổng thống Donald Trump tuyên bố phong tỏa xã hội. Bên cạnh đó, thị trường nhà mới đang được hỗ trợ bởi lãi suất thấp nhất trong lịch sử và ưu tiên của khách hàng cho nhà ở hộ gia đình cách xa trung tâm do các công ty cho phép người lao động linh hoạt hơn làm việc từ nhà trong bối cảnh đại dịch. Doanh số bán nhà mới cũng tăng vọt 16,6% lên 676.000 căn trong tháng 5/2020, đặc biệt tăng 45,5% tại Đông Bắc và tăng 29% ở miền Tây, giá nhà mới trung bình tăng 1,7% lên 317.900 USD trong tháng 5/2020 so với một năm trước. Đây là những cơ hội rất lớn cho xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Trong tháng 5, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 38% so với tháng 4.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, các doanh nghiệp giết mổ gia súc của nước này đang phục hồi nhanh. Trong 2 tháng qua, các nhà đóng gói thịt bò Hoa Kỳ đã phải thực hiện các quy trình kiểm soát y tế mới đề đối phó với dịch COVID-19, khiến năng lực sản xuất của họ bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, sau giai đoạn suy giảm chạm mốc thấp nhất vào cuối tháng 4, các nhà đóng gói Hoa Kỳ đã kịp thời phục hồi phần lớn năng lực sản xuất để bù đắp sự thiếu hụt của giai đoạn trước. Tại thời điểm cuối tháng 4, sản lượng giết mổ bê/nghé và giết mổ trâu, bò của Hoa Kỳ lần lượt giảm 41% và 9% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, đến cuối tuần 13/6, sản lượng giết mổ bê, nghé đã phục hồi chỉ còn thấp hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoài, và giết mổ trâu bò đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhưng sự tăng cường các ca nhiễm virus corona mới trên khắp nước này đã đe dọa những dấu hiệu phục hồi mới. Nhiều bang đã báo cáo số ca nhiễm hàng ngày kỷ lục, các chuyên gia y tế đã đổ lỗi cho chính quyền địa phương mở cửa lại nền kinh tế quá sớm. Tại Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 6/2020, IMF cho biết, "đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực lên hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm 2020 so với dự báo", đà phục hồi của nền kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ diễn ra chậm hơn, với tăng trưởng GDP ở mức 5,4% vào năm sau, ít hơn 0,4% so với dự báo vào tháng 4. Riêng đối với Mỹ, mức sụt giảm GDP được dự báo lên tới 8% trong năm nay. Tốc độ này lớn hơn so với dự báo vào tháng 4 của IMF là -5,9%.
Trong thời gian tới, dự báo xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ vẫn giữ được mức độ tăng trưởng tốt, trong khi đó xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ vẫn tiếp tục trầm lắng cùng với chưa nhiều tín hiệu phục hồi từ giá cà phê đến hết quý II/2020. Xuất khẩu thịt và các sản phẩm có thể giảm trong khi xuất khẩu gỗ còn nhiều thách thức đòi hỏi phải linh hoạt chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nguồn: IPSARD
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.