Tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc, tháng 6/2020

Nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn hồi phục trong bối cảnh dịch Covid 19 đã được khống chế, tuy nhiên xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tháng 5/2020 vẫn chưa tăng so với tháng trước. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 5 đạt 688 triệu USD, giảm 2,98% so với tháng trước và giảm 7,27% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Trung Quốc đứng thứ 2 sau Mỹ về giá trị xuất khẩu NLTS.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc là hàng rau quả, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sắn và các sản phẩm từ sắn, thủy sản, gạo, sản phẩm từ cao su. So với tháng 4 năm 2020, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như cao su tăng 109%, chè tăng 36%, hạt điều tăng 56%, thủy sản tăng 18%, gạo tăng 48%. Trong khi đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là cà phê giảm 10%, gỗ giảm 16%, rau quả giảm 30%, mây tre đan giảm 14%, sắn và các sản phảm sắn giảm 18%. So với cùng kỳ năm 2019, chỉ có gạo tăng 86%, thủy sản tăng 11%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 10%, còn các mặt hàng khác đều có giá trị xuất khẩu giảm.

Để khôi phục nền kinh tế, Trung Quốc đã đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 559 tỷ USD) vượt hơn rất nhiều gói kích thích kinh tế mà nước này từng đưa ra hồi khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Gói kích thích kinh tế lớn nhất lịch sử Trung Quốc này nhằm bù đắp các chi phí cho các nhà máy, doanh nghiệp, cũng như các thương nhân đang phải vận lộn với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đồng thời hy vọng sẽ mang lại nhiều công ăn việc làm cho các lao động bị mất việc vì đại dịch. Kế hoạch giúp đỡ doanh nghiệp, doanh nhân lần này của Trung Quốc có vẻ ngược với mục đích của gói kích thích kinh tế cũng cỡ 4.000 tỷ nhân dân tệ mà Trung Quốc thực hiện năm 2008 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vốn tập trung chủ yếu vào việc trang trải các nợ nần chi tiêu của nhà nước, gia tăng mạnh do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Xu hướng giảm giá của đồng nhân dân tệ (CNY) là khá rõ nét, CNY đã giảm giá 0,8% so với đồng USD trong tháng 5 vừa qua. Tính chung từ đầu năm đến nay, CNY đã giảm 2,2% giá trị so với USD.Trong khi đó, việc VND chỉ mất giá nhẹ so với USD kể từ đầu năm nay đã khiến VND cũng tăng giá so với CNY. Điều đó không khỏi khiến giới chuyên gia lo ngại cho cán cân thương mại giữa hai nước, nhất là khi kinh tế Trung Quốc cũng đang trên đà phục hồi sau dịch. Rõ ràng, việc CNY mất giá sẽ khiến hàng hóa của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước. Điều này sẽ làm tăng áp lực nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc. Đáng quan ngại hơn, nhiều chuyên gia như Marc Chandler – Trưởng bộ phận chiến lược thị trường của Bannockburn Global Forex dự báo, căng thẳng Mỹ - Trung có thể đẩy CNY rơi xuống mức 7,40 CNY/USD.

Trong thời gian tới, do lo ngại về việc lây truyền dịch bệnh do Covid 19, Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm tra thông quan đối với các container hàng đông lạnh đặc biệt là thủy sản. Do vậy, tình trạng tắc nghẽn, chờ thông quan sẽ diễn ra, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần có phương án vận chuyển hợp lý để đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Nguồn: IPSARD



*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn