Tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Liên minh Châu Âu, tháng 6/2020


Trong bối cảnh dịch Covid 19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nước trong khu vực EU, kim ngạch xuất khẩu Nông lâm thủy sản ( NLTS) của Việt Nam sang thị trường EU tháng 5 năm 2020 giảm 21,86% so với tháng 4 và 23,27% so với cùng kỳ tháng 5 năm 2019 với tổng giá trị là 275 triệu USD.

So với tháng 4/2020, chỉ có 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng gồm mây tre đan tăng 39%, chè tăng 30%, cao su tăng 1,65%, đặc biệt gạo tăng 451% trong khi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường này đều giảm. Cà phê giảm 34%, hạt điều giảm 16%, thủy sản giảm 3%, rau quả giảm 30%, thịt và các sản phẩm thịt giảm 43%, SP từ cao su giảm 43%.

Đại dịch COVID-19 đã làm tổn thương tới hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng, sản lượng công nghiệp, hoạt động đầu tư, thương mại, dòng vốn và chuỗi cung ứng của khu vực này, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Đại dịch COVID-19 đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đang bắt đầu phục hồi sau năm 2019 chịu ảnh hưởng của các cuộc tranh chấp thương mại và những lo ngại xung quanh tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC) công bố vào đầu tháng 5/2020, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm 7,7% trong năm nay, một “tỷ lệ suy giảm kinh tế lịch sử." Trong báo cáo, Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 6/2020, IMF cho biết "đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực lên hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm 2020 so với dự báo", đồng thời tiếp tục hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của khu vực Euzone so với dự báo trước đó vào tháng 4. Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP khu vực Euzone giảm 10,2% trong năm 2020, Pháp giảm 12,5%, Đức giảm 7,8%, Italy giảm 12,5%, Tây Ban Nha giảm 12,8%.

Sáng ngày 08/6/2020, Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường lớn này. Trong bối cảnh Covid-19, nhiều ngành hàng lớn của Việt Nam đang trông chờ EVFTA đi vào thực thi để có thêm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường. EU là một trong 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này ổn định ở mức trên 1,3 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm qua (2015 - 2019), chiếm 15-17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Dự kiến xuất khẩu mặt hàng này vào EU sẽ tăng với tốc độ trung bình 2%/năm trong giai đoạn 2020-2030. Song, nhiều khó khăn cả ngắn và dài hạn, cùng hàng rào phi thuế quan từ EU là những thách thức rất lớn. Theo đánh giá của Dự án EU-Mutrap, có không ít trở ngại trong việc tận dụng lợi thế từ EVFTA. EU cũng cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả. Trong đó, có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… bởi phần lớn dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Như vậy, mức cam kết này của EU sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có cùng ngành hàng về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Việc phê chuẩn hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thị trường 18.000 tỉ USD. Bên cạnh đó, EVIPA, hiệp định được kỳ vọng sẽ giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận công nghệ hiện đại, công nghệ mới, công nghệ sạch từ châu Âu, đặc biệt khi châu Âu mới chỉ có khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỉ USD đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, những động thái rút nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc của các nền kinh tế lớn và việc khống chế dịch Covid-19 thành công tại Việt Nam đang mở ra những triển vọng lớn cho nền kinh tế nói chung và ngành gỗ nói riêng đón những luồng vốn đầu tư mới trong thời gian tới.

Mặc dù vây, việc dịch chuyển dòng đầu tư FDI không chỉ mang lại cơ hội mà còn mang đến nhiều nguy cơ nếu không tiếp nhận một cách thông minh luồng đầu tư dịch chuyển này. Thứ nhất, luồng vốn kèm theo công nghệ lạc hậu thường tập trung vào công đoạn đơn giản trong chuỗi giá trị như sơ chế ván, dăm và có thể gây ảnh hưởng tới môi trường. Thứ hai, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang rất cần vốn để hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, điều này rất dễ dẫn đến việc mất quyền kiểm soát vào tay khối ngoại.

FDI luôn là một trong những nguồn lực để phát triển nền kinh tế ở bất kì quốc gia nào, cũng như ở bất kì lĩnh vực, ngành hàng nào. Do đó, khi tiếp nhận luồng vốn FDI tới Việt Nam thì ngành gỗ cần tập trung ra soát, cân nhắc kỹ và có chọn lọc kĩ các dự án đầu tư FDI. Không khuyến khích, tiếp nhận và cấp phép đầu tư đối với các dự án quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường; các dự án sản xuất chế biến các sản phẩm đơn giản, bán thành phẩm. Tập trung ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm chế biến sâu, quy mô lớn để tăng sức cạnh tranh, tạo uy tín, thương hiệu của ngành chế biến gỗ của Việt Nam.
Nguồn: IPSARD



*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn