Cây ăn trái là một trong ba thế mạnh của ĐBSCL, vì vậy khôi phục sản xuất, ổn định ngành hàng này là nhiệm vụ quan trọng các địa phương đang thực hiện.
Ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19
Thời gian qua, trước tác động của của đại dịch Covid-19, ngành hàng xuất khẩu trái cây, rau quả tại ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Giá cả hầu hết các mặt hàng cây ăn trái giảm sâu, có những thời điểm thương lái không xuất khẩu được. Thanh long, nhãn, chôm chôm, dừa,... là những loại trái cây chịu ảnh hưởng nặng nề.
Các địa phương đang thực hiện nhiều chính sách nhằm khôi phục sản xuất, tiêu thụ ngành hàng trái cây
Tại tỉnh Bến Tre, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giá bán một số nông sản giảm mạnh, tiêu thụ chậm tác động trực tiếp đến sản xuất và tiêu thụ của người dân trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Trong lĩnh vực trồng trọt, giai đoạn đầu giãn cách xã hội, một số nông sản bị ùn ứ, tiêu thụ chậm, kéo dài thời gian thu hoạch trên cây dẫn đến chất lượng giảm và ảnh hưởng sức khỏe cây trồng. Giá cả nông sản thấp so với cùng kỳ năm trước do khó khăn trong tiêu thụ.
Cụ thể, giá bưởi da xanh từ 13.000 - 15.000 đồng/kg. Chôm chôm Java giá chỉ từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Nhãn xuồng giá từ 7.000 - 15.000 đồng/kg. Đối với sản phẩm dừa uống nước và dừa công nghiệp, một số cơ sở thu mua tại địa phương chưa đảm bảo được phương án phòng bệnh “3 tại chỗ” và nguyên tắc “5K” nên việc tiêu thụ dừa công nghiệp rất hạn chế.
Bên cạnh đó, việc đi lại chăm sóc vườn cây, thuê mướn nhân công chăm sóc vườn gặp nhiều khó khăn… đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và kiểm soát sâu bệnh cây trồng, năng suất và sản lượng nông sản có thể giảm trong thời gian tới.
Cụ thể, các vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen bị gián đoạn công tác phun thuốc bảo vệ thực vật, phóng thích ong ký sinh. Việc vận chuyển vật tư nông nghiệp gặp khó khăn do giãn cách xã hội nên người dân thiếu vật tư cung cấp cây trồng. Giá vật tư tăng cao làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất của người nông dân.
Năm 2021, diện tích cây ăn trái vùng ĐBSCL ước đạt 363.000ha, tăng 19.000ha so với năm 2020. Các cây có diện tích lớn: Xoài 49.000ha; chuối 38.000ha; thanh long 26.000ha; dứa 29.000ha; sầu riêng 25.000ha; mít 30.000ha; chanh 27.000ha; cam 36.000ha; bưởi 32.000ha; nhãn gần 25.000 ha; chôm chôm 9.000ha; ổi 8.000ha; vú sữa 4.000ha.
Hỗ trợ nông dân xây dựng vùng chuyên canh
Để thích nghi với tình hình mới, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, các địa phương đã triển khai hành động khôi phục sản xuất. Trong đó, khôi phục ổn định ngành hàng trái cây là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết: Sở NN-PTNT tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng sản xuất nông sản chuyên canh theo tiêu chuẩn (GAP, hữu cơ, các tiêu chuẩn bền vững...). Đồng thời, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư. Thực hiện việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và tăng cường công tác quản lý, giám sát theo yêu cầu các nước nhập khẩu.
Phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (sàn postmart.vn) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (sàn voso.vn), kể cả các sản phẩm thông thường chưa phải là sản phẩm OCOP.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các điểm bán hàng bình ổn và hàng hóa thiết yếu. Hỗ trợ người dân các xã kết nối tiêu thụ nông sản trong mùa dịch, nhất là sản phẩm nông sản có sản lượng lớn.
Còn tại tỉnh Trà Vinh, ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT thông tin: Sở NN-PTNT đã xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất linh hoạt, thích ứng với thời tiết, phù hợp với thị trường để đạt mục tiêu tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt. Nhất là tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh công tác quản lý vùng trồng để xuất khẩu và mở rộng thị trường cho nông sản. Nâng cao năng lực giám sát và dự báo, phòng trừ hiệu quả sinh vật gây hại cây trồng, chủ động phòng ngừa đối với loại sâu bệnh mới. Kiểm soát chặt chẽ sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Có kế hoạch cụ thể để hướng dẫn, khuyến khích người sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học.
Trong đó, chú trọng duy trì diện tích sản xuất rau an toàn 143ha, cây ăn trái sản xuất theo hướng VietGap 407ha, mở rộng thêm 1.100ha dừa hữu cơ. Lũy kế đến năm 2022, diện tích dừa đạt chứng nhận hữu cơ 2.394ha.
Kết nối cung - cầu qua chuỗi
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: Các loại trái cây đặc sản của tỉnh như: sầu riêng, măng cụt, nhãn,... đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử (Shopee.vn, Sendo.vn,…) tiêu thụ.
Tỉnh Trà Vinh tập trung xây dựng tốt chuỗi kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP. HCM là một trong những giải pháp hiệu quả để không đứt gãy chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản trong thời gian tới. Qua đó, tạo động lực giúp doanh nghiệp từng bước ổn định sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Đối với Trà Vinh, thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, do đó phải tập trung xây dựng tốt và bền vững chuỗi “Kết nối cung - cầu nông - thủy sản”. Các đơn vị chủ trì thường xuyên có sự trạo đổi, cung cấp thông tin thị trường, liên kết cung cấp thông tin, nhu cầu về sản phẩm dự kiến sẽ liên kết. Trong đó, tập trung tiêu thụ tại thị trường nội địa, đặc biệt là TP. HCM, nhằm hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Trà Vinh đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ nông - thủy sản, với 15 cuộc liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành phố trong nước. Qua đó, đã có 31 hợp đồng kinh tế được ký kết giữa doanh nghiệp trong tỉnh và các doanh nghiệp tỉnh, thành trong cả nước.
Hiện tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức rà soát các sản phẩm nông - thủy sản đang và sắp đến vụ thu hoạch, chủ động liên kết thị trường tiêu thụ, đa dạng hình thức bán hàng, tập trung đưa sản phẩm vào các chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, đặc biêt là đẩy mạnh tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử.
Hiện các sản phẩm trái cây đặc sản của tỉnh Trà Vinh như: sầu riêng, măng cụt, nhãn,... đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử (Shopee.vn, Sendo.vn, Voso.vn,...) để tiêu thụ, từ đó phần nào tránh được ùn ứ.
Theo Nông nghiệp VN
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.