Việc dịch bệnh dần được kiểm soát giúp tình hình lưu thông hàng hóa ổn định trở lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng trở lại.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trở lại
Trong tháng 10, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương cơ bản được kiểm soát, các địa phương đã ban hành các quy định điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Việc mở lại chợ truyền thống góp phần giúp tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tại một số địa phương, nhiều chợ truyền thống được dần hoạt động trở lại với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Các hoạt động đi lại, lưu thông, phân phối hàng hóa được thuận lợi, thông suốt hơn; dịch vụ kinh doanh ăn uống mang về hoặc bán tại chỗ (tùy từng địa phương) cũng được hoạt động trở lại.
Đơn cử, tính đến ngày 1/11, thành phố Hồ Chí Minh đã có 148/234 chợ truyền thống chính thức hoạt động tại nhiều quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.014/3101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân. Tại thành phố cũng có 2/3 chợ đầu mối được mở cửa hoạt động trở lại là Bình Điền và Hóc Môn. Hệ thống chợ này đóng vai trò quan trọng đối với không chỉ kinh tế TP Hồ Chí Minh mà còn nhiều địa phương khác vì đây chính là điểm trung chuyển hàng hóa của nhiều địa phương đến TP Hồ Chí Minh và từ thành phố đi khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Hoặc tại Bạc Liêu, các hệ thống phân phối cửa hàng Bách hóa xanh, Siêu thị Coopmart, chuỗi cửa hàng Coop.Food vẫn hoạt động và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Các Kênh bán hàng online của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn giao hàng đến từng hộ gia đình nên đã giảm lượng người tập trung mua hàng. Các mặt hàng thiết yếu đủ đảm bảo cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng người dân.
Bên cạnh việc mở lại hệ thống phân phối, thị trường hàng hóa cũng sôi động hơn trong tháng 10 so với thời gian thực hiện giãn cách trước đó. Nhu cầu hàng may mặc tăng cao do đang trong giai đoạn chuyển mùa tại các tỉnh phía Bắc; nhu cầu đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình, vật phẩm văn hóa giáo dục cũng tăng sau một thời gian dài thực hiện giãn cách… nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (TMBLHH & DTDV) đã có sự tăng trưởng tốt. TMBLHH & DTDV trong tháng 10 tăng 18,5% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 19,52% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 9 tháng đã ở mức thấp (tăng trưởng âm) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các địa phương lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của các địa phương này chiếm tỷ trọng 50-60% của cả nước) nên tính chung 10 tháng năm 2021, TMBLHH & DTDV ước tính giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 82,8%; lưu trú và ăn uống chiếm 8,3%; ngành du lịch chỉ chiếm 0,1% và các ngành dịch vụ khác chiếm 8,8%.
Đảm bảo cung cầu hàng hóa cho dịp cuối năm
Dịch bệnh đang được kiểm soát trên cả nước và dự báo, nhu cầu hàng hóa cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ tương đối lớn. Do đó, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như: tổ chức tháng khuyến mại trên toàn quốc, các chương trình bán hàng lưu động, chương trình bình ổn thị trường…Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước. Áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa. Đặc biệt, tiếp tục triển khai các chương trình, Đề án và Chiến lược phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, để chuẩn bị đủ hàng hóa cho dịp Tết Nhâm Dần, Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Đặc biệt, tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động; Đôn đốc các địa phương sớm có phương án mở lại hoạt động của các chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Chủ động làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, đơn vị có liên quan trên cả nước kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp; Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch (nếu có)...
Bảo Ngọc
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.