Đây là giải pháp được nhiều đại biểu tán thành tại Hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất, trồng trọt vụ Thu Đông, vụ mùa năm 2021; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 tại các tỉnh, thành phố Nam Bộ, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 1/10.
Dự báo, xâm nhập mặn sẽ xảy ra vào tháng 12, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 tại Nam Bộ.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ 1,6 triệu ha, tăng 2.000 ha so với vụ Đông Xuân 2019-2020.
Vụ Đông Xuân được coi là vụ lúa quan trọng nhất trong năm đối với cả nước nói chung và đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng. Trong tình hình hạn, mặn hiện nay, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra. Ngoài ra, xây dựng kế hoạch phòng chống hạn, mặn xâm nhập, kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn, thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô.
GS. Tăng Đức Thắng, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết: "Năm nay, trong điều kiện xâm nhập mặn diễn ra sớm, sẽ có ít nước tự nhiên để sản xuất hơn. Việc này cũng tương tự như năm 2016 - một năm hạn mặn rất nghiêm trọng. Dự báo, xâm nhập mặn sẽ xảy ra vào tháng 12 tới đây, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022".
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, việc xuống giống sớm trong tháng 10 của toàn vùng Nam Bộ sẽ tạo ra nhiều cơ hội để tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển - những vùng đã chịu thiệt hại do hạn, mặn vào các năm 2015, 2016. Cùng với đó, lúa thu hoạch vào tháng 1, tháng 2 và tháng 3 của năm 2022 nằm trong thời kỳ nắng khô hanh sẽ cho chất lượng ổn định.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), việc sản xuất trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay và giá vật tư đầu vào tăng cao cần áp dụng giải pháp kỹ thuật đã được đúc kết thành các quy trình như: “3 giảm 3 tăng” (Giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu; tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả); hay áp dụng mô hình “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm, giảm lượng nước, giảm thất thoát sau thu hoạch). Đây là những mô hình hiệu quả và giảm chi phí sản xuất tốt.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nêu rõ yêu cầu vừa bảo đảm an toàn dịch COVID-19, vừa thúc đẩy sản xuất. Tại những diện tích ở vùng ven biển của các địa phương thường gặp mặn xâm nhập, cần lựa chọn giống ngắn ngày để giảm thời gian sản xuất lúa trên đồng ruộng nhằm "né" mặn. Đồng thời, cần đẩy sớm thời vụ gieo sạ của vụ Đông Xuân; đặc biệt, với diện tích khoảng 400.000 ha của 8 tỉnh ven biển thì phải tập trung xuống giống trong tháng 10 để thu hoạch sớm trước khi chịu tác động của hạn hán và mặn xâm nhập.
Về cơ cấu giống, cần tăng cường giống đặc sản, giống lúa thơm và chất lượng để phục vụ xuất khẩu. Đây là phân khúc thị trường với nhu cầu rất lớn của các nước nhập khẩu gạo Việt Nam.
“Trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay còn đang diễn biến phức tạp cũng như giá vật tư nông nghiệp cao thì biện pháp giảm giá thành cho sản xuất quyết định đến tính cạnh tranh và lợi nhuận của bà con nông dân trong vụ lúa này. Về lượng giống lúa, các địa phương cần phải làm mạnh hơn nữa để giảm lượng giống sạ trên một diện tích canh tác; sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý để giảm lượng thuốc thực vật nhưng vẫn phát huy hiệu quả tác dụng phòng, trừ sâu bệnh và giảm tác động xấu đến môi trường”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Đỗ Hương
Theo Báo Chính phủ
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.