Bộ Công Thương đánh giá tình hình xuất khẩu nông, thủy sản 8 tháng đầu năm tăng 11,5% so với năm 2020. Có 7/9 mặt hàng ghi nhận tăng trưởng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 15,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, phần lớn các mặt hàng chủ lực đều đạt tăng trưởng dương.
Còn liên Bộ ước tính xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ 2020, chiếm 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhìn chung 7/9 mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng.
Cao su dẫn đầu
Xét về tốc độ thì cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong 8 tháng đầu năm với mức tăng đến 23,3% về lượng và 61,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 1,87 tỷ USD. Kế đến là xuất khẩu hạt tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn và hạt điều lần lượt tăng trưởng 34,9, 28,4 và 15,1%.
Kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng lần lượt ước đạt 598 triệu USD (hạt tiêu), 776 triệu USD (sắn và các sản phẩm từ sắn) và 2,31 tỷ USD (hạt điều). Hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm nông, thủy sản là thủy sản và rau quả cũng tăng lần lượt 7,1 và 11,8% so.
Thủy sản cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Huỳnh Biển.
Ngược lại, xuất khẩu gạo giảm 6,8% về trị giá (ước đạt 2,1 tỷ USD) và giảm 14,8% về lượng (ước đạt 3,92 triệu tấn). Mặt hàng chè, kim ngạch ước giảm nhẹ 1,8% (đạt 133 triệu USD), lượng ước giảm 6,0% (đạt 80.000 tấn).
Đối với thị trường xuất khẩu, Tổng cục Hải quan thống kê đến hết tháng 7 cho thấy trọng điểm vẫn là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (chiếm 56,7% thị phần) với tổng kim ngạch đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc kim ngạch lần lượt đạt 4,34 tỷ, 1,19 tỷ và 718 triệu USD; tăng lần lượt 25,83, 28,26 và 11,36%. Thị trường ASEAN có kim ngạch đạt 1,63 tỷ USD, giảm 6,89% so với cùng kỳ và chiếm 10,3% thị phần.
Thị trường Mỹ có kim ngạch đạt 2,8 tỷ USD (chiếm 17,9% thị phần), tăng 27,3% so với 7 tháng năm 2020. Thị trường tiêu thụ lớn nhất tại khu vực châu Mỹ là Mỹ cũng đạt 2,39 tỷ USD, tăng 25,58% so với cùng kỳ.
Riêng khối thị trường châu Âu và EU đạt kim nghạch 2,65 tỷ USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ và chiếm 16,7%. Trong đó, thị trường EU kim ngạch 1,94 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ và chiếm 12,3% thị phần.
Một số mặt hàng còn manh mún, tự phát
Đánh giá tình hình xuất khẩu nông sản, thuỷ sản trong bối cảnh Covid-19 thời gian qua, Bộ Công Thương cho rằng kim ngạch xuất khẩu đạt tăng trưởng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu vẫn chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, góp phần tiêu thụ hết hàng hóa cho nông dân với giá có lợi.
Bộ Công Thương cho rằng nhu cầu từ thế giới đang có dấu hiệu hồi phục và tăng trở lại khi các nước đang triển khai mạnh mẽ việc tiêm vaccine; nới lỏng các biện pháp giãn cách làm tăng nhu cầu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm đồ gỗ nội thất, ngoại thất của Việt Nam; hoạt động du lịch dần mở trở lại; các gói kích cầu làm tăng nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản phục vụ tiêu dùng, trong đó có nhập khẩu từ Việt Nam.
Thu hoạch tôm thẻ tại Sóc Trăng. Ảnh: Trường Giang.
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu của một số nước đã và đang phục hồi sau cả giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát như Mỹ, EU và Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn. Đó là tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải đã tác động không nhỏ đến tiến độ xuất khẩu sang Mỹ, EU, Đông Bắc Á cũng như nhập khẩu nguyên liệu (thủy sản, điều, gỗ) để phục vụ chế biến xuất khẩu.
Dịch Covid-19 đang lan nhanh tại ASEAN, Ấn Độ cũng có khả năng làm giảm nhu cầu nhập khẩu của các nước này, gây tác động đến xuất khẩu của Việt Nam. Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt khu vực cửa khẩu biên giới đất liền để phòng, chống dịch Covid-19 sẽ tác động đến tiến độ thông quan hàng hóa của sang thị trường này.
Trong khi đó, dịch Covid-19 đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận chuyển nông sản, trái cây trên cả nước đến khu vực biên giới. Một số loại trái cây đã đến giai đoạn chính vụ thu hoạch xuất khẩu như thanh long, dưa hấu, vải, nhãn…
Bộ Công Thương cũng đánh giá việc sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản vẫn tồn tại bất cập như manh mún, tự phát... dẫn đến tình trạng mất kiểm soát nguồn cung. Đặc biệt là sản xuất manh mún khiến chất lượng nông, thủy sản không đồng đều, khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Đây đó vẫn xuất hiện tình trạng sản phẩm xuất khẩu bị trả về do không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm (thủy sản, hồ tiêu, trái cây), ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của hàng Việt Nam.
Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản từ các địa phương nuôi trồng trọng điểm đến khu vực cửa khẩu, biên giới để xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như thiếu nhân lực tham gia trực tiếp, phải đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm” trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ sản xuất, giao nhận, lưu thông và xuất khẩu nông thủy sản trong quý III năm 2021.
“Hệ thống kho bãi tại cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu lưu giữ hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hệ thống kho lạnh. Thiết bị nâng, hạ, xếp dỡ, sang tải hàng hóa còn thiếu, đặc biệt là xếp dỡ hàng rời chủ yếu bằng thủ công là chính, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá; cửa khẩu quốc tế đường sắt không phát huy được lợi thế do khác biệt về khổ đường ray”, Bộ Công Thương nhận định.
Theo Zing
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.