Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát hành Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản số ra ngày 10/9/2021.
Thị trường Nông, lâm, thủy sản thế giới
- Cao su: Từ đầu tháng 9/2021 đến nay, giá cao su tại châu Á có xu hướng giảm mạnh trong bối cảnh sản lượng ô tô sụt giảm do thiếu chip trên phạm vi toàn cầu.
Tuần từ ngày 30/8 - 3/9, tồn kho cao su tự nhiên dựa theo chứng từ tại SHFE đạt 192.780 tấn, tăng 4.000 tấn (tương đương tăng 2,1%) so với tuần trước đó; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 225.354 tấn, tăng 5.762 tấn (tương đương tăng 2,6%) so với tuần trước đó.
- Cà phê: Đầu tháng 9/2021, giá cà phê robusta và arabica tăng do nguồn cung hạn chế. Brazil bước vào kỳ nghỉ Lễ Độc Lập, trong khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam làm hạn chế nguồn cung cấp ra thị trường.
- Hạt điều: Các nhà nhập khẩu hạt điều của Mỹ lên kế hoạch thu mua tất cả hạt điều đã qua chế biến ở Tadania. Mỹ là thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn đối với các nhà chế biến hạt điều thế giới. Trung bình mỗi năm Mỹ tiêu thụ hơn 150.000 tấn hạt điều chế biến.
- Rau quả: Xuất khẩu xoài tươi của Campuchia trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 163,83 nghìn tấn, tăng 251% so với cùng kỳ năm 2020. Chanh đã trở thành loại trái cây thứ tư của Uzbekistan được phép nhập khẩu vào Trung Quốc sau anh đào, dưa và lựu.
- Sắn và sản phẩm từ sắn: Giá sắn và sản phẩm từ sắn của Thái Lan trong 10 ngày đầu tháng 9/2021 ổn định so với cuối tháng 8/2021.
- Thủy sản: Giá tôm nguyên liệu tại Thái Lan và Ấn Độ tăng. Sản lượng đánh bắt của đội tàu lưới vây tại khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (WCPO) giảm mạnh trong tháng 7/2021, khi lệnh cấm sử dụng thiết bị dẫn dụ cá (FADs) bắt đầu có hiệu lực và hoạt động đánh bắt diễn ra ở cả phía đông và phía tây của khu vực các nước tham gia Hiệp định Nauru (PNA).
- Gỗ và sản phẩm gỗ: Tại Trung Quốc, giá CIF đối với gỗ xẻ nhập khẩu tăng trong nửa đầu năm 2021. Trị giá xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Brazil (trừ bột giấy và giấy) trong tháng 7/2021 tăng gần 74% so với tháng 7/2020.
Thị trường Nông, lâm, thủy sản trong nước
- Cao su: Từ đầu tháng 9/2021 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động. 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Ấn Độ tăng 70,6% về lượng và tăng 119,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 7 cho Ấn Độ, chiếm 6,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu cao su của nước này.
- Cà phê: Đầu tháng 9/2021, giá cà phê robusta tại thị trường nội địa tiếp tục tăng theo giá thế giới, lên mức cao nhất 4 năm gần đây. Tháng 7/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê arabica đạt 3.080 USD/tấn - mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng nhẹ từ 20,35% trong 6 tháng đầu năm 2020 lên 20,56% trong 6 tháng đầu năm 2021.
- Hạt điều: Trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chủng loại hạt điều W180 và DW của Việt Nam tăng rất mạnh. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nga tăng từ 50,28% trong 6 tháng đầu năm 2020, lên 57,68% trong 6 tháng đầu năm 2021.
- Rau quả: Ước tính trong tháng 8/2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả giảm 13,3% so với tháng 7/2021 và giảm 16,6% so với tháng 8/2020 do làn sóng COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu của Việt Nam. Thị phần nhập khẩu 8 chủng loại quả của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm.
- Sắn và sản phẩm từ sắn: Từ đầu tháng 9/2021 đến nay, giá sắn nguyên liệu tại một số tỉnh Tây Nguyên có xu hướng tăng trở lại do nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp tăng. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh gặp khó, tiêu thụ tinh bột sắn nội địa vẫn ảm đạm.
7 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn của Việt Nam sang các thị trường phần lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là sang thị trường Malaysia, Nam Phi, Trung Quốc và thị trường Đài Loan. Thị phần sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc giảm.
- Thủy sản: Đầu tháng 9/2021, giá tôm nguyên liệu tại tỉnh Cà Mau tiếp tục giảm sau khi giảm trong tháng 7 và 8/2021. Từ đầu tháng 7/2021 đến nay, thị trường cá tra nguyên liệu gần như ở trạng thái đóng băng do giao dịch chỉ ở mức rất thấp.
Xuất khẩu tôm tháng 7/2021 đã bắt đầu bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 trong nước diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm chậm lại so với các tháng trước.
- Gỗ và sản phẩm gỗ: Trị giá xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp giảm mạnh trong tháng 8/2021, sau khi tăng liên tục trong nhiều tháng qua. Do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp trong nước bị gián đoạn. Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam giảm trong tổng nhập khẩu của EU.
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.