Theo Tổ chức Đường Quốc tế, thâm hụt đường toàn cầu niên vụ 2021-2022 là 3,8 triệu tấn, cao hơn niên vụ trước 800.000 tấn.
Sự thiếu hụt đường là do sản lượng ở Brazil, quốc gia sản xuất hàng đầu trên toàn cầu, giảm 5%.
Giá đường Việt Nam đã tiệm cận với giá đường khu vực, vượt giá sản phẩm Thái Lan 10% nhưng vẫn thấp hơn các nước khác khoảng 7% -19%.
Báo cáo Cập nhật ngành đường: Kỳ vọng tăng trưởng dài hạn của SSI Research cho biết theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), thâm hụt đường toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên trong niên vụ 2021-2022, đạt 3,8 triệu tấn so với mức thiếu hụt 3 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021, dẫn đến giá đường tăng trong năm 2022.
Sự thiếu hụt đường là do sản lượng sản xuất ở Brazil giảm 5%. Brazil vốn là nước sản xuất đường hàng đầu trên toàn cầu, chiếm 23% tổng sản lượng sản xuất trong niên vụ 2020-2021 do thời tiết khô hạn. Sản lượng dự trữ trên toàn cầu đã giảm từ mức đỉnh trong niên vụ 2018-2019 (53,1 triệu tấn) xuống còn 45,8 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021 và có thể giảm tiếp về mức tương đương niên vụ 2016-2017.
Thâm hụt nguồn cung đường niên vụ 2021-2022 là 3,8 triệu tấn. Nguồn: Times Now News
ISO đánh giá giá đường có thể được hỗ trợ bởi giá ethanol tăng, điều này khuyến khích các nhà máy sản xuất đường quốc tế chuyển từ sản xuất đường sang sản xuất ethanol, dẫn đến lượng đường tồn kho toàn cầu giảm. Theo BusinessInsider, giá ethanol đã tăng 55% so với đầu năm.
Trong khu vực, Thái Lan dự kiến sẽ thu hoạch 80-90 triệu tấn mía trong niên vụ 2021-2022. Mức này tương đương với mức tăng trưởng khoảng 21% -36% so với cùng kỳ, và là mức sản lượng thấp so với giai đoạn 2017-2019.
Thâm hụt đường toàn cầu, nhu cầu dự kiến phục hồi sau đại dịch được cho là sẽ hỗ trợ cho giá đường thế giới. Giá đường thô thế giới gần đây đã tăng mạnh về mức của niên vụ 2016-2017 (khoảng 20 cents/lbs) khi dự báo tồn kho cuối vụ 2021-2022 sẽ quay về mức tương đương cuối vụ 2016-2017.
Về tình hình trong nước, giá đường Việt Nam đã tiệm cận với giá đường khu vực, vượt giá sản phẩm Thái Lan 10% nhưng vẫn thấp hơn các nước khác khoảng 7% -19%. Vào cuối năm 2020, giá đường của Việt Nam thấp hơn giá đường khu vực khoảng 27% -39%.
Trong khi tác động của thuế suất đã được phản ánh một phần vào giá đường trong nước, các cuộc điều tra về việc lẩn tránh thuế và thâm hụt toàn cầu sẽ tiếp tục thúc đẩy giá đường tăng nhanh cho đến năm 2022. Kể từ khi áp thuế, sản lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất là 15.000 tấn trong tháng 6 so với mức cao nhất là 183.000 tấn trong tháng 4/2020.
Đường nhập lậu đã được kiểm soát chặt chẽ do Việt Nam đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, đường Thái Lan đã lách thuế bằng cách 'quá cảnh' ở các nước ASEAN khác trước khi đến Việt Nam. Ngày 21/9, Bộ Công Thương ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gồm chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 5 nước là Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar.
Đỗ Lan