Mô hình nuôi tôm công nghệ cao vẫn có lãi trong mùa dịch

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đầu ra các mặt hàng nông sản ở vùng ĐBSCL gặp khó khăn, nhiều nông dân bị thua lỗ. Trong khi đó mô hình nuôi tôm công nghệ cao vẫn có lãi.

Ông Ngô Minh Tuấn ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông là người đi đầu trong việc áp dụng nuôi tôm công nghệ cao ở tỉnh Tiền Giang. Ông hiện có 5 trang trại rộng 30 ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, nuôi rải vụ nên cho thu hoạch quanh năm. Mới đây, chỉ với 1 ao, ông Tuấn đã thu được 40 tấn tôm thẻ, bán với giá 85 nghìn đồng/kg/30 con. So với trước khi dịch bệnh giảm khoảng 20 nghìn đồng/kg nhưng vẫn có lãi. Trong khi đó, các mô hình nuôi tôm truyền thống bị giảm từ 30-40 nghìn đồng/kg, người nuôi bị thua lỗ nặng.


Ông Ngô Minh Tuấn cho biết, nuôi tôm công nghệ cao có nhiều ưu điểm, nhất là hạn chế rủi ro do dịch bệnh, kéo dài thời gian nuôi để đạt kích cỡ tôm to bán giá cao: "Tôm thiên nhiên thì bây giờ không có nhiều, còn nuôi theo kiểu truyền thống thì khó rồi, bây giờ người ta không nuôi nữa rồi vì người dân đầu tư nuôi công nghệ cao cũng an toàn. Nuôi công nghệ cao size tôm từ 30 con/kg không bị sụt nhiều. Giá chỉ thấp hơn so với trước dịch bệnh dưới 20 nghìn đồng/kg thôi. Bên cạnh đó, rủi ro ít, sản lượng thì cao hơn. Còn nuôi theo kiểu truyền thống dịch bệnh nhiều, nên chuyển dần sang công nghệ cao hết”.

Do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ tôm hiện nay gặp khó khăn, từ đầu tháng 8 giá tôm giảm mạnh. Tại tỉnh Tiền Giang giá tôm loại 100 con/kg có giá dưới 50.000 đồng/kg; loại 50 con/kg có giá từ 80.000 đồng đến 85.000 đồng/kg; loại 30 con/kg dao động từ 110.000 đến 120.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi tôm theo kiểu truyền thống không có lãi do chi phí tăng cao, hao hụt nhiều. Riêng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hầu hết bán tôm loại size từ 50 con/kg trở xuống có giá cao nên đảm bảo có lãi.

Huyện Tân Phú Đông là địa phương có mô hình nuôi tôm lớn nhất tỉnh Tiền Giang với hơn 4.600 hecta nuôi thủy sản, trong đó nuôi tôm công nghệ cao 51 hecta, còn lại nuôi công nghiệp và quảng canh khoảng 2.700 hecta. Đa số mô hình nuôi tôm công nghiệp đều có lãi, người dân địa phương đang nhân rộng mô hình này.

Tại tỉnh Bến Tre, dù dang khẩn trương thu hoạch nhưng tôm biển nuôi cũng bị giảm giá mạnh. Đáng nói là tôm kích cỡ 50 - 100 con/kg giảm từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng. Mô hình nuôi tôm theo phương pháp truyền thống đều gặp khó trong vấn đề đầu ra và không có lãi do rất ít ao nuôi được tôm kích cỡ lớn (30 con/kg). Trong khi đó mô hình nuôi tôm công nghệ cao dễ dàng đạt kích cỡ 30 con/kg, bán được giá cao.

Lợi thế của nuôi tôm công nghệ cao là người nuôi có thể nuôi về size lớn do có thể sang tách ao nhiều giai đoạn. Tôm nuôi ao ương 25 ngày sẽ có thể sang ao thương phẩm và tiếp tục sang tách ao theo các mốc thời gian sau 40 ngày và sau 50 ngày nữa. Với mật độ khoảng 50- 60 con/m2 mới có thể nuôi tôm về size 20 con/kg. Một ha nuôi có khả năng đạt sản lượng trên 40 tấn/vụ.

Tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre có khoảng 500 ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao. Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng có khoảng 80% ao tôm có lãi. Ông Đào Công Thương, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết, nuôi tôm công nghệ cao là hướng đi tất yếu của bà con ngư dân. Địa phương đang phấn đấu thực hiện đạt Nghị quyết của Đảng bộ huyện là đến năm 2025 đạt 1.500 ha tôm công nghệ cao.

Ông Đào Công Thương phấn khởi cho biết thêm: "Tôm đầu ra thì được nhưng giá thấp. Mô hình công nghệ cao đa số nuôi trúng hết, trúng hơn 80%, có lãi. Mô hình này vốn nhiều lắm, các ngân hàng đều có hỗ trợ hết. Tụi tôi cũng đang vận động các chi nhánh Ngân hàng hỗ trợ cho người dân. Các công ty cung cấp thức ăn, cung cấp tôm giống đến từng hộ nuôi để hướng dẫn mô hình, ngân hàng thì cam kết sẽ cho vay bao nhiêu vậy đó để người ta thực hiện”.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có gần 2.000 ha tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao. Đây là hình thức nuôi mới, kiểm soát tốt dịch bệnh; năng suất, chất lượng cao. Lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu đồng/ha/vụ nuôi, tăng hơn 4 lần so với nuôi tôm thâm canh trước đây. Đáng chú ý, loại hình nuôi mới khép kín này còn có ưu điểm là cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, kiểm soát chặt chẽ chi phí và nâng tỷ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất.

Nuôi trồng thủy sản trong đó có con tôm là một trong những ngành kinh tế chủ lực của người dân vùng ĐBSCL. Thực tế đã chứng minh, mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã gặt hái những thành quả đáng ghi nhận. Mô hình này đã giúp nhiều nông dân làm giàu, tránh được rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, cần được nhân rộng./.

Nguồn: VOV

*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn