Giá khoai lang tím thu mua tận ruộng là 3.000 đồng/kg, đến tay người tiêu dùng giá cao gấp 2-3 lần, song vẫn không có thương lái đến mua.
Vĩnh Long được xem là thủ phủ khoai lang của ÐBSCL với diện tích trồng khoảng 13.000-15.000 ha, trong đó huyện Bình Tân đóng vai trò chủ lực.
Những năm được mùa, được giá thì khoai lang xuất khẩu đã giúp rất nhiều hộ nông dân có thu nhập cao, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, giá khoai lang tím giảm xuống mức 600.000 đồng/tạ (60kg), rồi 400.000 đồng/tạ... Thậm chí hồi cuối tháng 4, giá khoai có lúc chạm đáy 30.000 đồng/tạ.
Ở thời điểm này, ông Sơn Văn Luận, Giám đốc HTX Khoai lang Thanh Ngọc, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết, giá khoai đang ở mức 3.000 đồng/kg. Khoai trên đồng còn khá nhiều khá nhiều, song chỉ có hợp tác xã mua được cho dân, còn hầu như không thấy bóng dáng thương lái vì không có thị trường tiêu thụ, đi lại khó khăn.
Việc tìm đầu ra cho khoai lang tím đang là khó khăn của HTX Khoai lang Thanh Ngọc bởi việc mua bán đang bị ngưng trệ. Trước đó, có hội phụ nữ một số địa phương mua khoai để hỗ trợ bà con vùng dịch như Bình Phước, Nha Trang ( Khánh Hòa) và TP.HCM trước thời điểm giãn cách nghiêm ngặt. Riêng thị trường Hà Nội, dù biết tiêu thụ rất mạnh, song HTX chưa có được đầu mối để giao lưu, tiêu thụ.
"Giá khoai lang tím HTX thu mua là 3.000 đồng/kg, cộng các chi phí, ra đến Hà Nội cũng chỉ đến 5.000 đồng/kg, nếu tính cả hao hụt cao nhất cũng chỉ đến 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tôi được biết bây giờ giá khoai lang tím ngoài Hà Nội rẻ nhất cũng 12.000 đồng/kg, còn mức phổ biến là 13.000-15.000 đồng/kg. Như vậy, nông dân thì bán quá rẻ mà người tiêu dùng phải ăn khoai giá cao gấp 2-3 lần, còn thương lái không có cửa thua lỗ. Đáng tiếc hiện nay chúng tôi lại không có người đến mua, bản thân HTX lại thiếu đầu mối kết nối tiêu thụ ngoài Hà Nội", ông Sơn Văn Luận chia sẻ, đồng thời cho biết HTX đã thử tìm một số đầu mối song chưa thành công.
Giám đốc HTX Khoai lang Thanh Ngọc được biết Bộ NN-PTNT có thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản, các đầu mối cung ứng nông sản, trong đó có HTX của ông đã được đưa lên website; rồi các siêu thị cũng tham gia hỗ trợ tiêu thụ... nhưng hiện nay HTX ông chưa được tiếp cận.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc HTX Cam sành Hiếu Trung, xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long cũng cho biết, việc tiêu thụ cam sành đang hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện giá cam tại vườn là 10.000 đồng/kg, trong khi thị trường bán ra là 35.000-40.000 đồng/kg, tuy nhiên vẫn không có thương lái đến thu mua.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên mặt hàng khoai lang tím Nhật tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long bị tồn đọng, rớt giá, gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long vẫn còn tồn sản lượng lớn các mặt hàng rau, củ quả, gia cầm và thủy sản.
Cụ thể, theo ước tính, sản lượng khoai lang tím đang cần hỗ trợ tiêu thụ là trên 300 tấn/ngày, tập trung ở một số Công ty, hợp tác xã như Thanh Ngọc, Tân Thành, Tân Lập và nhóm nông hộ Kiều Trang.
Các loại rau cần hỗ trợ vào khoảng 138 tấn mỗi ngày, gồm có xà lách xoong, rau diếp cá, cải trời, rau nhút, cải ngọt, rau dền, rau muống, mồng tơi, đậu bắp, cải xanh, cải thìa, mướp và dưa leo. Trong đó, riêng xà lách xoong có sản lượng 20 tấn mỗi ngày và rau diếp cá là 70 tấn một ngày.
Ngoài ra, số lượng hoa quả tươi mà các nông hộ, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cần hỗ trợ do ảnh hưởng bởi giãn các xã hội vào khoảng trên 1.900 tấn mỗi ngày. Trong đó, tập trung chủ yếu vào mặt hàng cam sành là hơn 1.800 tấn mỗi ngày. Số còn lại là bưởi da xanh, bưởi năm roi, xoài cát chu, chôm chôm, nhãn, trái hạnh…
Đối với mặt hàng gia cầm và thủy sản, thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đang có hàng triệu con gia cầm đang cần được tiêu thụ. Trong đó, riêng gà thịt, sản lượng cần hỗ trợ tiêu thụ vào khoảng 31.000 con một ngày, vịt siêu nạc vào khoảng 14.000 con một ngày, cút thịt 15.000 con một ngày và trứng cút 6.000 quả một ngày.
Thủy hải sản, thóc lúa cũng là mặt hàng đang cần được hỗ trợ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Theo ước tính, hiện, các hộ nuôi, hợp tác xã đang cần hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng cá diêu hồng, cá ba tra, cá chim trắng, cá tra, lươn thịt, cá lăng hơ vào khoảng hơn 2.000 tấn mỗi ngày. Riêng thóc và lúa gạo, sản lượng cần tiêu thụ là gần 500 tấn thóc và 35 tấn gạo hữu cơ mỗi ngày.
Nguồn: Đất Việt
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.