Tháo gỡ nút thắt vận hành chuỗi thu mua lúa gạo ở ĐBSCL

Hiện các bộ ngành, địa phương, các tổ chức, hợp tác xã và doanh nghiệp đang nỗ lực tối đa để có thể kịp thời thu mua lúa gạo cho nông dân, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu lúa gạo đang lên cao.

Nông dân Cai Lậy, Tiền Giang trúng mùa Hè Thu sớm. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 820.000 ha lúa Hè Thu với năng suất đạt 56,7 tạ/ha, sản lượng 4,645 triệu tấn.

Diện tích lúa Hè Thu còn lại chưa thu hoạch là 690.000ha, đang ở giai đoạn trổ đòng và chín. Ước tính cả vụ Hè Thu sản xuất khoảng 1,51 triệu ha, sản lượng đạt khoảng 8,6 triệu tấn.

Hiện các bộ ngành, địa phương, các tổ chức, hợp tác xã và doanh nghiệp đang nỗ lực tối đa để có thể kịp thời thu mua lúa gạo cho nông dân, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu lúa gạo đang lên cao ở các thị trường quốc tế.

Tháo gỡ các nút thắt

Kể từ ngày 19/7, việc 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đã tác động mạnh đến toàn bộ chuỗi cung ứng, vận chuyển các mặt hàng nông sản của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, có chuỗi cung ứng, thu mua lúa gạo, đặc biệt là chuỗi thu mua lúa Hè Thu khi vào vụ thu hoạch rộ.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ lúa Hè Thu hằng năm thường rơi vào mùa mưa nên các hộ nông dân phải thu hoạch ngay khi lúa vừa chín để hạn chế trường hợp gặp thời tiết xấu, lúa ngã đổ, gây tổn thất.

Cũng kể từ khi 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã vào cuộc, xúc tiến, gỡ những nút thắt trong chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Vận hành "luồng xanh" hiệu quả, đưa hàng hóa thiết yếu về trung tâm kinh tế phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời giúp người sản xuất liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản, phục vụ cho chế biến, xuất khẩu.

Nhờ đó, nhiều địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã mở được nút thắt trong chuỗi liên kết tiêu thụ hàng hóa; trong đó, có liên kết tiêu thụ lúa gạo Hè Thu trong dân, tạo nguồn gạo dự trữ cho doanh nghiệp đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu.

Cụ thể, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ đã thống nhất thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa giữa các tỉnh. Hiện các địa phương này còn khoảng 3 triệu tấn lúa Hè Thu và Thu Đông sớm chưa thu hoạch.

Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, dự kiến hết tháng 8/2021, An Giang cơ bản thu hoạch dứt điểm vụ Hè Thu 2021, với diện tích còn lại là 83.050 ha.

Hiện nay, giá thu mua lúa của các đơn vị đang có xu hướng tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp. Cụ thể, các giống lúa OM 9582, OM 5451, OM 18 giá dao động từ 4.200-5.000 đồng/kg; IR50404 có giá từ 3.800-4.200 đồng/kg; nếp có giá từ 4.000-4.600 đồng/kg.

Tại tỉnh Long An, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã điều phối các hợp tác xã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn từ khâu vận chuyển, logistics để thu mua lúa gạo trong dân, hàn lại chuỗi bị đứt gãy, tránh những thiệt hại từ thời tiết do thu mua chậm trễ, thu hoạch chậm trễ.

Ông Trần Văn Sữa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Trang, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, cho biết hợp tác xã đã liên kết với Công ty Vua lúa gạo và Tập đoàn Lộc Trời thực hiện gieo sạ hơn 1.700 ha, phần lớn là giống lúa OM18.

Thông qua hoạt động liên kết, các doanh nghiệp vẫn đảm bảo thu mua hết toàn bộ sản lượng thu hoạch cho hợp tác xã với mức giá ấn định từ trước, cao hơn so với thị trường.

Ngoài ra, thông qua trao đổi với doanh nghiệp, hợp tác xã còn hỗ trợ thu mua cho nông dân bên ngoài không bán được lúa với diện tích hơn 300 ha. Đến thời điểm hiện tại, hợp tác xã đã thu hoạch khoảng 60% diện tích, tất cả sản lượng thu hoạch đều được 2 doanh nghiệp liên kết thu mua với mức giá 6.200 đồng/kg, trong khi mức giá thị trường hiện chỉ khoảng 5.700 đồng/kg.

Việc tiêu thụ dễ dàng với mức giá khá cao trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến các thành viên của hợp tác xã vui mừng, an tâm sản xuất.

Nhiều biện pháp hỗ trợ tối đa

Để vận hành được chuỗi thu mua lúa gạo vụ Hè Thu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần một nguồn vốn rất lớn, đặc biệt là thu mua trong cùng thời điểm thu hoạch rộ, tránh thất thoát do thu hoạch trễ, ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều trong vụ sản xuất này.

Nông dân thu hoạch lúa Hè Thu năm 2021 tại huyện Châu Thành A, Hậu Giang (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Do đó, ngay từ ngày 10/8, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản 5747/NHNN-TD ngày 10/8/2021 đề nghị các ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc gạo tại khu vực này bằng nhiều hình thức như: mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc gạo; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp…

Thêm vào đó, để thúc đẩy cho hoạt động thu mua lúa gạo hàng hóa trong dân vụ Hè Thu 2021 được thuận lợi, ngày 12/8, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký văn bản hỏa tốc số 4889/BCT-XNK gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn thu mua lúa, gạo hàng hóa trong dân. Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị có thể cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo hàng hóa có thể sử dụng sản phẩm thu mua làm nguồn thế chấp khi vay vốn.

Song song với việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, thực hiện thu mua lúa gạo kịp thời trong vụ Hè Thu 2021 tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc tạo thêm "luồng xanh" cho các doanh nghiệp thu mua, cũng như vận chuyển đến cảng, xuất khẩu, đáp ứng hợp đồng đúng thời hạn cũng cấp thiết không kém.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn INTIMEX chia sẻ, doanh nghiệp có thể thu mua được lúa gạo trong dân, đáp ứng cho các đơn hàng xuất khẩu nhưng vì yêu cầu giãn cách xã hội, đội ngũ công nhân tại các cảng cũng giảm đi, khó có thể bốc xếp hàng hóa lên container, chuyển đi kịp thời theo số lượng đã kỹ.

Điều này dẫn đến hàng hóa chỉ đi được tối đa từ 30.000-35.000 tấn/lần, trong khi hợp đồng ký kết có thể lên đến 120.000 tấn gạo.

Về phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Kiên kiến nghị, ngoài việc tạo "luồng xanh" trên đường bộ, tạo điều kiện cho khâu vận chuyển hàng hóa; trong đó, có vận chuyển lúa gạo, thuận lợi trong quá trình thu mua và đưa hàng ra cảng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nhanh chóng tạo "luồng xanh" cho đường thủy nhằm tạo điều kiện cho ghe, tàu thu mua lúa gạo vận hành song song, rút ngắn thời gian vận chuyển và xoay vòng thu mua.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA), khẳng định VLA sẽ đối thoại với các hãng tàu để giảm chi phí vận chuyển xuất nhập khẩu và hỗ trợ các doanh nghiệp gạo trong vấn đề "luồng xanh," "luồng đỏ."

Đồng thời, sẽ thuyết phục các cảng IDC Transimex, Tanamexco, Phước Long, Long Bình có bến sông, cầu cảng tiếp nhận được ghe gạo tạm thời để doanh nghiệp đưa hàng đến đóng vào container, sau đó di chuyển ra cảng nhằm giảm trung chuyển và chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo xuất hàng kịp thời, xoay vòng vốn thu mua lúa gạo cho dân.

Theo đại diện của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP), do tình hình dịch diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng tới công nhân đóng hàng nên một số cơ sở đóng gạo tại Thành phố Hồ Chí Minh như bến 125 Cát Lái, bến Tân cảng Phú Hữu và tại Đồng bằng sông Cửu Long như Tân Cảng Sa Đéc, Tân cảng Trà Nóc phải tạm ngưng hoạt động.

SNP vẫn nỗ lực duy trì hoạt động của một số cơ sở khác để cung cấp dịch vụ cho khách hàng như ICD Nhơn Trạch với 20-25 container/ngày, Tân cảng Thốt Nốt với 15-18 container/ngày, Tân cảng Mỹ Thới với 25-30 container/ngày, Tân cảng Cái Cui với 8-10 container/ngày và Tân cảng Hiệp Phước với 15-20 container/ngày.

Ngoài ra, để đảm bảo vừa an toàn chống dịch vừa cung cấp được dịch vụ cho khách hàng, SNP đã đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ đóng tại kho khách hàng, dịch vụ đưa hàng ra các cảng tại Đồng bằng sông Cửu Long và kéo về Thành phố Hồ Chí Minh xuất tàu cho khách hàng.

Qua đó duy trì cung cấp dịch vụ và duy trì tình hình sản xuất tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo. Hiện nay, sản lượng hàng đóng tại kho khách hàng chiếm đến hơn 60%./.

Hồng Nhung-Minh Hưng
TTXVN/Vietnam+


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn