Quảng Ninh: Hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất - bảo quản - chế biến

Với sự vào cuộc của các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh, nhiều cách làm mới được triển khai giúp hộ sản xuất bớt khó khăn. Đồng thời, nông sản địa phương cũng tiếp cận các kênh bán hàng mới, đem lại lợi nhuận cho nông dân.

Thuận lợi từ chính sách

Theo đánh giá, tỉnh Quảng Ninh có tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất lâm, nông kết hợp trên đất rừng với khoảng 374 nghìn ha đất rừng sản xuất và đất rừng phòng hộ. Bên cạnh đó là hành lang pháp lý thuận lợi và cơ chế, chính sách khuyến khích hấp dẫn như: các quy định về sản xuất lâm, nông kết hợp trong rừng sản xuất, rừng phòng hộ đã được quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 về ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.

Đơn cử, như dự án “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc” tại Quảng Ninh cũng là năm tổng kết thực hiện dự án. Trong hai năm 2018-2019, dự án đã xây dựng được 20 ha (năm 2018: 5 ha; năm 2019: 15 ha) mô hình trồng xen cây ba kích (dưới tán rừng, xen với trà hoa vàng, cây ăn quả giai đoạn kiến thiết).
 
Cán bộ hướng dẫn trồng cây dự án “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc” tại Quảng Ninh

Với 20 ha cây ba kích đang sinh trưởng phát triển tốt, đường kính gốc đạt 1,5-2,0cm; cây phân nhánh, leo giàn, chưa thấy xuất hiện sâu bệnh hại. Cây năm thứ 3 có trung bình 5-7 nhánh củ chính, 13-15 tia củ phụ. Đường kính củ chính trung bình đạt 0,8-1,0cm. Đây là cơ sở hứa hẹn về năng suất của mô hình (3,5-4,0 kg/gốc) khi cây cho khai thác sản phẩm (vào năm thứ 5-6).

Việc tham gia chuỗi liên kết đã giúp các hộ thực hiện dự án có cơ hội trao đổi kinh nghiệm về quản lý sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao. Qua đó, chủ động hơn trong việc tham gia xây dựng và duy trì chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; các hộ cam kết tuân thủ quy trình chăm sóc, thu hái, bảo quản sản phẩm theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.

Mở kênh bán hàng online

Tại tỉnh Quảng Ninh, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX và nông dân tiếp cận với chuyển đổi số, đưa nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Tiêu thụ nông sản được lên kệ online

Tỉnh Quảng Ninh cũng đang triển khai đưa nông sản và các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Nhằm để tháo gỡ khó khăn, các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã đăng ký đưa sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP bán trên các trang mạng xã hội thông qua Website, Facebook, Zalo, Youtube hay các trang mạng xã hội khác. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp nông dân, HTX giải quyết lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại công nghệ số.

Ngoài ra, Quảng Ninh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh nông sản, trong đó coi trọng hình thức bán hàng online. Hiện có trên 273 sản phẩm nông sản được đăng tải trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt truy cập. Từ đầu năm 2021 đến nay, số đơn đặt hàng mua nông, thủy sản qua sàn thương mại điện tử với doanh thu tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Tỉnh đã kết nối khoảng 80% các sản phẩm OCOP tham gia chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử thương hiệu: TiKi, Sendo, VoSo...

Bên cạnh đó, để đáp ứng tiêu thụ cho các sản phẩm sản xuất theo chuỗi trên toàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh cũng đã ký kết tiêu thụ sản phẩm với nhà ăn tập thể của ngành Than, trường học bán trú, nhà ăn tại các khu công nghiệp... qua đó đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm.

Theo bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thống kê, lên danh sách các nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ để điều tiết thị trường cho phù hợp, không để tình trạng tồn hàng cục bộ trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương rà soát hiện trạng sản xuất nông sản của người dân. Qua đó, nắm bắt và từng bước tháo gỡ những khó khăn mà người dân gặp phải để tìm phương hướng giải quyết, hỗ trợ hợp lý.

 PV (t/h)

*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn