Trong những ngày qua ở ĐBSCL xảy ra mưa dầm làm lúa hè thu đổ ngã nhiều. Trong khi đó, máy cắt lúa thiếu và giá lúa rẻ do không có thương lái thu mua.
Chi phí thu hoạch tăng, thương lái vẫn ép giá
Trong 2 ngày qua, mưa dai dẳng trên diện rộng khắp ĐBSCL giữa lúc nông dân nhiều nơi còn đang thu hoạch lúa hè thu 2021. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi một số đồng lúa chín đổ ngã nhưng không có máy gặt.
Anh Đoàn Văn Khá (ấp Trung Hưng I A, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) buồn rầu, nói: Chỉ một cơn mưa chiều ngày 24/8 đã làm sập gần 20% trên tổng diện tích 1 ha lúa của gia đình. Vụ lúa hè thu 2021 ở đây đa phần làm giống Đài Thơm 8. Vụ lúa hè thu này tưởng ngon, thương lái đặt cọc 6.000 đ/kg và đã nhận cọc 300.000 đ/công. Nhưng còn khoảng 15 ngày nữa thu hoạch thì nhiều chuyện liên tục ập đến. Lúc đầu thương lái trao đổi phía chủ ruộng giảm giá xuống còn 5.000 đồng/kg, nếu không họ chấp nhận bỏ cọc. Gần đến ngày cắt lúa chủ máy cắt cho biết vụ này giá tăng lên 40.000 đ/công (từ 280.000 lến 320.000 đ/công) không chắc chắn có máy.
Mấy ngày nay xảy ra mưa lớn tại ĐBSCL nên nhiều ruộng lúa bị đổ gãy. Ảnh: Trọng Linh.
Ông Nguyễn Thành Phước, Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt – BVTV Sóc Trăng lo lắng. Theo cán bộ các Trạm BTVT các huyện thông tin trực tuyến sáng 25/8, hiện tại một số cánh đồng lúa ở các huyện Mỹ Xuyên, Châu Thành đang thiếu máy gặt. Mặc dù trước thời điểm tỉnh Sóc Trăng thực hiện Chỉ thị 16 đã có một số máy gặt từ các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ đến nằm đồng chờ sẵn. Trong khi đó thương lái không thể cho ghe về thu mua, vận chuyển lúa ở khu vực “vùng đỏ”. Thương lái không về, nông dân không bán lúa được. Lúa thu hoạch gặp mưa dầm, giá lúa càng giảm sâu.
Một số nông dân đang thu hoạch lúa phản ánh so với thời điểm chưa vào mùa thu hoạch, giá lúa tươi OM18 giảm còn 5.100-5.500 đ/kg, OM5451 giá 4.800-5.200 đ/kg. Giảm sâu nhất là lúa OC10 (giống lúa chịu mặn, phẩm chất gạo như lúa IR50404, OM576) giá 4.100-4.300 đ/kg. Bình quân giá lúa hiện tại một số địa phương đang thu hoạch mắc mưa đang giảm 400-600 đ/kg, so thời điểm trước khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo ông Phước, vấn đề rất cần hiện thời là các địa phương tạo điều kiện kiểm soát dịch, hướng dẫn các điều kiện phòng dịch đảm bảo cho thương lái và doanh nghiệp về thu mua lúa cho nông dân. Việc hỗ trợ khâu lưu thông thông suốt trong mùa gặt lúa giúp nông dân là cần thiết, bởi những ngày sắp tới khoảng từ ngày 10 đến 15/9 còn nhiều cánh đồng lớn sắp vào mùa thu hoạch rộ.
Khó khăn đang chồng chất lên vai người nông dân vùng ĐBSCL. Ảnh: Trọng Linh.
Chính quyền cần tạo điều kiện cho thu hoạch lúa
Tại các huyện phía đông của tỉnh Tiền Giang, vụ hè thu này, nông dân xuống giống có trên 22.000ha lúa. Đến nay, trà lúa này đã thu hoạch trên 19.000ha. Còn khoảng trên 2.000ha tại huyện Gò Công Đông. Mới đây, ngày 23/8, trận mưa dông kèm lốc xoáy đã làm sập hơn 120ha lúa hè thu đang giai đoạn thu hoạch của người dân tại xã Kiểng Phước và Tân Điền của huyện Gò Công Đông. Hiện nay, trà lúa còn lại này đang được thu hoạch ráo riết.
Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gò Công Đông cho biết: Hiện trà lúa còn lại dự kiến thu hoạch xong từ nay đến hết tháng 8 đầu tháng 9 là xong. Tuy nhiên thương lái đi mua lúa thì vẫn phải thực hiện 5K và có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, giấy xác nhận đi mua lúa. Toàn huyện có trên 100 máy gặt lúa. Trong điều kiện ảnh hưởng dịch bệnh, thiên tai mưa bão UBND huyện cũng chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện để các chủ máy gặt đi thu hoạch lúa cho bà con nông dân được nhanh chóng.
Tại tỉnh Tiền Giang, do diện tích gieo sạ ít, thương lái nhiều, việc lưu thông cũng đã giảm bớt khó khăn nên giá lúa thu mua tại tỉnh có phần đỡ hơn những địa phương khác tại ĐBSCL. Hiện lúa tươi tại ruộng như OM5451 dao động khoảng trên 5.600 – 5.700 đ/kg, lúa VD20 gần 7.000 đ/kg.
Do đi lại khó khăn nên không có nhiều thương lái đi mua khiến giá lúa giảm. Ảnh: Minh Đảm.
Tại Bến Tre, ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Vụ lúa, hè thu này toàn tỉnh xuống giống trên 10.000ha. Hiện nay, đã thu hoạch được khoảng 3.000ha. Dự kiến đến ngày 15/9 sẽ thu hoạch dứt điểm. Vấn đề lao động thu hoạch, máy móc và đi lại khó khăn hầu hết các địa phương đang gặp phải do thực hiện giãn cách.
Hiện các địa phương cũng đã mạnh dạn thực hiện hỗ trợ để khâu thu hoạch lúa của bà con được thuận lợi. Nhất là hỗ trợ chi phí test nhanh cho các đội thu hoạch lúa bởi họ thu hoạch liên xã. Máy móc thu hoạch đang thiếu nên điều động qua lại giữa các huyện do đó nhân công, chủ máy cần được test nhanh để đảm bảo an toàn chống dịch.
Nhóm PV ĐBSCL
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.