Giải pháp sản xuất, tiêu thụ nông sản thích ứng đại dịch

Giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành khiến tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn. Song, nhiều địa phương, doanh nghiệp… đã có những giải pháp nhằm thích ứng.

Bài 1: Mỗi ngày thu mua cả trăm tấn trái cây xuất khẩu 

Ưu tiên tiêm vacxin cho thương lái hay đầu tư công nghệ để bảo quản là một trong những giải pháp để việc tiêu thụ trái cây được thuận lợi.

Chủ động để lưu thông không đứt gãy

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu (xã Hoà Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), cho biết doanh nghiệp đã chủ động nguồn nhân lực, kho bãi và rà soát lại hệ thống tổ chức để thích nghi trong tình hình mới.

Hiện Công ty Chánh Thu đã kêu gọi người lao động chủ động sắp xếp việc gia đình và đã chủ động được 50% nhân lực đủ điều kiện thực hiện "4 tại chỗ".

Do điều kiện đi lại khó khăn nên công ty đã chủ động tận dụng đội ngũ thương lái uy tín tại phương và các HTX để làm đầu mối thu gom sản phẩm trái cây tại các vùng nguyên liệu, không để chuỗi lưu thông đứt gãy.

Hiện nay, Công ty Chánh Thu vẫn đảm bảo thu mua trái cây tại các vùng nguyên liệu để xuất khẩu đi Mỹ. Mỗi ngày, công ty thu gom từ 70 - 120 tấn trái cây các loại. Mùa này chủ yếu là nhãn xuồng, thanh nhãn và chôm chôm…Thanh nhãn được công ty thu mua 40.000 đồng/kg, nhãn xuồng 20.000 đồng/kg, cao hơn bình quân chung của thị trường từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo đại diện công ty, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn để tích trữ hàng hoá của nông dân khi đang vào mùa chín rộ nhưng lưu thông khó khăn. "Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ tín dụng để có thể mua thêm hàng dự trữ trong thời điểm lưu thông khó khăn như hiện nay", bà Ngô Tường Vy kiến nghị.

Hiện nhãn đang vào mùa thu hoạch rộ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc HTX Cam sành Hiếu Trung (xã Hiếu Trung, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), hiện cam sành đang rất có giá. Giá cam xô khoảng 16.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do thực hiện giãn cách xã hội nên HTX dù có chủ động nhưng vẫn thiếu nguồn nhân lực để thu hoạch cam. Do đó, HTX đã liên lạc bán cam cho các thương lái có nhân công dồi dào, xe luồng xanh thông thoáng để nhanh chóng tiêu thụ sản phẩm.

HTX Công Thành Đạo Thạnh tại xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cũng đã chủ động nhiều giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ bưởi da xanh và trái khóm (dứa) cho bà con nông dân vùng chuyên canh khóm Tân Phước.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc HTX Công Thành Đạo Thạnh, cho biết: "Những ngày này lượng trái cây tiêu thụ tại các siêu thị rất ít nên HTX đã đăng tin trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nhóm zalo, facebook và hội nhóm khác để tìm các đầu mối tiêu thụ. Bằng cách này, mỗi ngày HTX tiêu thụ từ 3-5 tấn nông sản cho bà con".

Cũng theo chị Lan Anh, hiện HTX chưa có phương tiện vận chuyển đi xa nên đã chủ động tìm thuê xe của Công ty HK Green và những đơn vị vận tải có đăng ký được luồng xanh. Tuy nhiên, do năng lực của HTX có hạn nên vẫn chưa tiêu thụ được nhiều sản phẩm cho bà con. Hiện trái khóm ngoài đồng Tân Phước đã chín nhiều, đang rất cần tiêu thụ.

Áp dụng công nghệ, tăng thời gian bảo quản trái cây 

Chị Trần Thị Bích Trân, chủ vựa trái cây Trân trên đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ  cho biết: Trong thời gian giãn cách xã hội ngành Công thương và Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đã gửi danh sách qua các vựa trái cây và hàng chục HTX thu mua trái cây trên địa bàn để nhờ hỗ trợ tiêu thụ cho bà con đang gặp khó đầu ra.

Bình quân mỗi ngày vựa trái cây Trân thu mua từ 7-10 tấn trái cây các loại để đem đi tiêu thụ thông qua 3 kênh chính. Cách làm này rất thành công trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Thứ nhất bán vào các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh. Thứ 2, mang trái cây bán ở các cửa hàng bình ổn giá. Và thứ 3, vựa có số lượng trên 4.000 khách hàng khắp cả nước nên có hệ thống bán trái cây giao tận nhà khi người dân có nhu cầu đặt qua mạng online với giá bán sỉ.

Tăng cường dự trữ bảo quản trái cây. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo chị Trân, cơ sở có đầu ra thuận lợi như hiện tại là nhờ chủ động trước và ký hợp đồng với các hệ thống siêu thị Co.opmart và Bách Hóa Xanh nên lượng trái cây khi thu mua của HTX hay bà con nông dân mang về đúng theo số lượng cam kết từ đầu là hệ thống siêu thị nhận hết hàng theo thỏa thuận và không tăng giá. 

Chị Trân cho biết thêm, hiện nay nông sản của bà con còn khá nhiều, đầu ra còn hạn chế, trong khi nhiều thương lái khác đều tạm nghỉ để phòng chống dịch bệnh thì cơ sở trái cây Trân mạnh dạn đăng ký đầy đủ các thủ tục phòng chống Covid-19 và được cấp "luồng xanh" để đi thu mua nông sản.

Tuy nhiên, năng lực của cơ sở có hạn nên mới chỉ lựa chọn hàng chục tấn mỗi ngày. Sau đó, cơ sở sẽ tiến hành thuê hệ thống kho lạnh của các nhà máy chế biến thủy sản ở Khu công nghiệp Trà Nóc để trữ hàng, đợi đến khi hết dịch sẽ mang ra tiêu thụ dần. Cách làm này góp phần giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong thời gian khó khăn.

Tăng cường chế biến bảo quản trái cây mùa dịch. Ảnh: Minh Đảm.

Tại Đồng Tháp, để tiêu thụ nông sản cho người dân trong thời điểm dịch bệnh, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp đã chuẩn bị kho lạnh bảo quản xoài, hệ thống thiết bị xử lý sau thu hoạch từ khâu loại mủ xoài đến rửa, xử lý nấm bệnh bằng nước nóng, làm khô, nhà đóng gói và hệ thống buồng ủ chín…

Bà Đinh Kim Nhung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp cho biết: Công ty chúng tôi đã được dự án UNIDO hỗ trợ xây dựng các hệ thống xử lý xoài khá tốt. Khi mua xoài của bà con mang về nhà máy, chúng tôi đưa qua các hệ thống dây chuyền công nghệ giúp trái xoài kéo dài được thời gian bảo quản từ 25 - 30 ngày, đạt chất lượng xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

Ưu tiên tiêm vacxin cho thương lái

Vĩnh Long là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn thứ hai tại ĐBSCL với hơn 60 nghìn ha. Hiện nay, tỉnh đang có hai loại trái cây chủ lực đang thời điểm thu hoạch rộ là nhãn và cam sành. Hiện cam sành tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, đầu ra của nhãn thì đang gặp khó khăn.

Theo ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, Sở đang tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất lưu thông trái cây. Trong đó, mỗi huyện sẽ thành lập các tổ thu gom trái cây mà thành phần nòng cốt là các thương lái, HTX… Các thành viên tổ này sẽ được ưu tiên tiêm vacxin Covid-19.

Bên cạnh đó, Vĩnh Long đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua kênh mua sắm online, bưu điện và các sàn giao dịch điện tử của Sở NN-PTNT, Công thương, Thông tin và truyền thông. Còn vận chuyển thì có Viettel Post. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản gồm các sở, ngành do Giám đốc Sở NN-PTNT làm tổ trưởng. Sở Công thương Vĩnh Long làm đầu mối kết nối với Sở Công thương TP.HCM.

Ưu tiên tiêm vacxin cho các thương lái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Từ ngày 20/7 đến ngày 31/7, tỉnh Bến Tre có hơn 1.833 tấn trái cây các loại (cam, bưởi, chôm chôm, mít...) và 952.056 trái dừa uống nước, 460.556 tấn dừa công nghiệp được tiêu thụ.

Còn tại tỉnh Bến Tre, hiện tỉnh này có sản lượng lớn trái cây đang thu hoạch hoặc sắp thu hoạch như 660 tấn nhãn, 300 tấn chôm chôm, khoảng 50 tấn sầu riêng, 1.200 tấn bưởi da xanh…

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, các địa phương quan tâm đảm bảo an toàn cho chợ dân sinh, ưu tiên test nhanh cho tiểu thương buôn bán tại chợ. Những nông sản nào có thể neo lại, chờ thu hoạch sau thì cơ quan chức năng cần có hướng dẫn kỹ thuật để người dân thực hiện đảm bảo năng suất, chất lượng.

Đối với những nông sản không thể kéo dài thời gian thu hoạch cần tiếp tục kết nối với các đầu mối sẵn có. Đồng thời mở rộng kết nối tiêu thụ đến các tỉnh mà tình hình dịch bệnh đã ổn định.

Lê Hoàng Vũ - Minh Đàm
Báo Nông nghiệp


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn