Tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng Bảy diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Các địa phương trên cả nước tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, chăm sóc lúa hè thu và thu hoạch lúa hè thu sớm, bảo đảm gieo trồng và thu hoạch trong khung thời vụ tốt nhất. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và dịch bệnh đang diễn ra tại một số địa phương; dịch Covid-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến lâm sản, thủy sản xuất khẩu.


a) Nông nghiệp

Tính đến ngày 15/7, cả nước gieo cấy được 1.099,6 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,4% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 909,2 nghìn ha, bằng 99,7%; các địa phương phía Nam gieo cấy 190,4 nghìn ha, bằng 97,8%.

Đến trung tuần tháng Bảy, cả nước gieo cấy được 1.949,6 nghìn ha lúa hè thu, bằng 100,7% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 177,9 nghìn ha, bằng 102,2%; các địa phương phía Nam đạt 1.771,7 nghìn ha, bằng 100,5%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.507,9 nghìn ha, bằng 99,1%. Đến nay, phần lớn các trà lúa hè thu đang ở giai đoạn làm đòng đến chín, các trà lúa sớm đã cho thu hoạch với diện tích đạt 436,4 nghìn ha, bằng 87,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 427,2 nghìn ha, bằng 86,9%.

Cũng đến ngày 15/7, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 294,9 nghìn ha lúa thu đông, bằng 95,9% so cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lúa thu đông đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng; sinh trưởng và phát triển tốt.

Tính đến giữa tháng Bảy, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 738 nghìn ha ngô, bằng 101,8% cùng kỳ năm trước; 74,8 nghìn ha khoai lang, bằng 92,5%; 147,5 nghìn ha lạc, bằng 95,5%; 23,5 nghìn ha đậu tương, bằng 89,7%; 863,7 nghìn ha rau, đậu, bằng 101,3%.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng Bảy gặp khó khăn do dịch viêm da nổi cục vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Ước tính tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 7/2021 giảm 3,3% so với cùng thời điểm năm 2020; tổng số bò tăng 2,3%; tổng số lợn tăng 6,1%; tổng số gia cầm tăng 4,8%.

Tính đến ngày 20/7/2021, cả nước không còn dịch tai xanh ở lợn; dịch cúm gia cầm còn ở Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh; dịch lở mồm long móng còn ở Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh; dịch tả lợn châu Phi còn ở 33 địa phương và dịch viêm da nổi cục còn ở 34 địa phương chưa qua 21 ngày.

b) Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 7/2021 ước tính đạt 13,1 nghìn ha, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước đạt 123,6 nghìn ha, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 51,9 triệu cây, tăng 1,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 9.495,6 nghìn m3­, tăng 5,5%; sản lượng củi khai thác đạt 11,4 triệu ste, giảm 0,3%.

Trong tháng Bảy[1], cả nước có 418,5 ha rừng bị thiệt hại, trong đó diện tích rừng bị cháy là 330,6 ha, tăng 97,3% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị chặt, phá là 87,9 ha, giảm 5,8%. Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 1.398,3 ha rừng bị thiệt hại, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 629,3 ha, tăng 40,5%; diện tích rừng bị chặt, phá là 769 ha, tăng 43,8%.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng Bảy ước tính đạt 804,1 nghìn tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 448,1 nghìn tấn, giảm 0,3%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 356,0 nghìn tấn, giảm 0,4%. Tính chung 7 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.900,1 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.552,9 nghìn tấn, tăng 3,3%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.347,2 nghìn tấn, tăng 1,1% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 2.242,7 nghìn tấn, tăng 1,2%).

2. Sản xuất công nghiệp

Dịch Covid-19 với biến chủng mới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp trong tháng Bảy và 7 tháng năm nay. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trừ tháng Hai có số ngày làm việc ít nhất). Tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với 7 tháng năm 2020.


Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 ước tính tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%.

Tính chung 7 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,3%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và thực hiện gian sách xã hội ở 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa an toàn.

Trong tháng 7/2021, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 71,2 nghìn người, giảm 22,8% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với tháng 06/2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,3% so với tháng trước và giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, cả nước có 4.947 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; 4.527 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,1% và tăng 34,3%; 3.932 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 24,9% và tăng 28,2%; 1.442 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 24,9% và giảm 4,1%.

Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1065,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555,5 nghìn lao động, tăng 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.366,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 27,6 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2021 là 2.432,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, còn có 29,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2021 là 105,4 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 15,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong 7 tháng năm nay, có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: gần 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%. Trung bình mỗi tháng có gần 11,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

4. Đầu tư

Trong tháng Bảy, dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố. Nhằm kiểm soát và khống chế sự lây lan của dịch bệnh, 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và một số địa phương khác cũng thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án đầu tư công. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2021 giảm 1,7% so với tháng trước và giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước vẫn tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20/7/2021 đăng ký cấp mới giảm 37,9% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số vốn đăng ký tăng 7%. Vốn đăng ký cấp mới bình quân 1 dự án trong 7 tháng năm 2021 đạt 10,1 triệu USD/dự án (cùng kỳ năm 2020 đạt 5,8 triệu USD/dự án).



Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2021 ước tính đạt 38,3 nghìn tỷ đồng, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 210,8 nghìn tỷ đồng, bằng 44,3% kế hoạch năm và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 39% và tăng 25,2%), gồm có: Vốn Trung ương quản lý đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% kế hoạch năm và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 175,6 nghìn tỷ đồng, bằng 44,8% kế hoạch năm và tăng 4,3%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam[3] tính đến ngày 20/7/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,72 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 1.006 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 10,13 tỷ USD, giảm 37,9% về số dự án và tăng 7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký điều chỉnh có 561 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,54 tỷ USD, giảm 3,7%; có 2.403 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 2,05 tỷ USD, giảm 55,8%; vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 911 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,05 tỷ USD và 1.492 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2021, ước tính đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm 2021 có 28 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 145,3 triệu USD, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước; có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 424,8 triệu USD, bằng 9,1 lần so với cùng kỳ năm trước[4]­. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 570,1 triệu USD, tăng 125,4% so với cùng kỳ năm trước.

5. Hoạt động thương mại, vận tải và du lịch

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, vận tải và du lịch khi nhiều tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa[5] tháng 7/2021 ước tính đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Vận tải hành khách tháng Bảy giảm 24,9% về lượng hành khách vận chuyển và giảm 25,7% về lượng hành khách luân chuyển so với tháng trước; vận tải hàng hóa giảm 11,6% về sản lượng vận chuyển và giảm 6,4% về sản lượng luân chuyển. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 7,5 nghìn lượt người, giảm 46,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy ước tính đạt 339,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.791,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,74% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,20%).

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 6/2021 đạt 27,2 tỷ USD. Ước tính tháng 7/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 48,52 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,81 tỷ USD, tăng 29,9%, chiếm 73,8%. Trong 7 tháng năm 2021 có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 1,87 tỷ USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 164,89 tỷ USD, tăng 27,1%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 13,65 tỷ USD, tăng 16,7%. Nhóm hàng thủy sản đạt 4,92 tỷ USD, tăng 12%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,6 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 28,7 tỷ USD, tăng 24,2%. Thị trường EU đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,5%. Thị trường ASEAN đạt 16,1 tỷ USD, tăng 25,9%. Hàn Quốc đạt 12 tỷ USD, tăng 10,3%. Nhật Bản đạt 11,7 tỷ USD, tăng 8,3%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 6/2021 đạt 27,66 tỷ USD. Ước tính tháng 7/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 66,31 tỷ USD, tăng 29,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 121,72 tỷ USD, tăng 38,5%. Trong 7 tháng năm 2021 có 31 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 176,36 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 84,35 tỷ USD, tăng 30%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 92,01 tỷ USD, tăng 41,5%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 11,67 tỷ USD, tăng 28,5%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 29,7 tỷ USD, tăng 19,9%. Thị trường ASEAN đạt 24,7 tỷ USD, tăng 48,2%. Nhật Bản đạt 12,6 tỷ USD, tăng 13,8%. Thị trường EU đạt 9,7 tỷ USD, tăng 19,6%. Hoa Kỳ đạt 8,9 tỷ USD, tăng 10,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Sáu nhập siêu 455 triệu USD[6]; 6 tháng nhập siêu 1 tỷ USD; tháng Bảy ước tính nhập siêu 1,7 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD[7] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,1 tỷ USD.


Vận tải hành khách tháng Bảy ước tính đạt 146,3 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 5,6 tỷ lượt khách.km, giảm 60,2%. Tính chung 7 tháng năm 2021, vận tải hành khách đạt 1.917,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 26,9%) và luân chuyển 80,6 tỷ lượt khách.km, giảm 17,5% (cùng kỳ năm trước giảm 31,8%). Vận tải hàng hóa tháng Bảy ước tính đạt 111,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 24,1 tỷ tấn.km, giảm 13,2%. Tính chung 7 tháng năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 987,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,3%) và luân chuyển 196,4 tỷ tấn.km, tăng 4,7% (cùng kỳ năm trước giảm 7,3%).

Khách quốc tế[8] đến nước ta trong tháng Bảy ước tính đạt 7,5 nghìn lượt người, tăng 3,7% so với tháng trước và giảm 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 95,7 nghìn lượt người, giảm 97,5% so với cùng kỳ năm trước.

6. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Giá lương thực, thực phẩm tăng tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 do người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng cường tích trữ; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với tháng 7/2020. Bình quân 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016[9]; lạm phát cơ bản 7 tháng tăng 0,89%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước. CPI bình quân 7 tháng năm 2021 tăng 1,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2020; CPI tháng 7/2021tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2021 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm nay tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 7/2021 giảm 1,39% so với tháng trước; giảm 1,16% so với tháng 12/2020 và tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2021 tăng 0,09% so với tháng trước; giảm 0,23% so với tháng 12/2020 và giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước.

7. Một số tình hình xã hội

Dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp, trước tình hình đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là vùng ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh với tổng gói hỗ trợ là 26 nghìn tỷ đồng. Đồng thời các địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với đại dịch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Ngoài các gói hỗ trợ của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã sử dụng một phần kinh phí ngân sách địa phương để hỗ trợ các nhóm yếu thế, người lao động… do vậy, đời sống của người dân cơ bản ổn định.


Dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, số ca mắc mới đang có chiều hướng tăng nhanh. Tính đến sáng ngày 28/7/2021, Việt Nam có 117.121 trường hợp mắc, trong đó 22.946 trường hợp đã được chữa khỏi và 524 trường hợp tử vong. Có 6 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.

Tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước trong 7 tháng đầu năm đã xảy ra 7.137 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 4.568 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 2.569 vụ va chạm giao thông, làm 3.635 người chết, 2.362 người bị thương và 2.622 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày trong 7 tháng năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 34 vụ tai nạn giao thông, gồm 22 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 12 vụ va chạm giao thông, làm 17 người chết, 11 người bị thương và 12 người bị thương nhẹ.

Thiên tai xảy ra trong 7 tháng đầu năm làm 41 người chết và mất tích, 65 người bị thương; 282 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 8,8 nghìn ngôi nhà bị ngập hư hại; 7 nghìn con gia súc và gia cầm bị chết; 74,8 nghìn ha lúa và 20,1 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 771,8 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng, cả nước xảy ra 216 vụ cháy, nổ, làm 8 người chết và 5 người bị thương, thiệt hại ước tính 29,6 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng năm 2021, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.384 vụ cháy, nổ, làm 67 người chết và 93 người bị thương, thiệt hại ước tính 318,3 tỷ đồng./.


Nguồn: GSO


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn