Giá Đậu Tương Liệu Sẽ Tăng Trong Bối Cảnh Nguy Cơ Thu Hẹp Nguồn Cung

Giá đậu tương giao dịch trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) đã chứng kiến mức tăng mạnh trong những giai đoạn gần đây trước lo ngại về điều kiện khô hạn tác động đến các khu vực trồng chính. 

Ngoài ra, thị trường còn lo ngại rằng Brazil sẽ thắt chặt nguồn cung có thể xuất khẩu đậu tương nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa đang gia tăng và nhu cầu thu mua từ Trung Quốc khi mùa màng quốc gia này đã bị phá hủy bởi các đợt lũ lụt lịch sử.

Brazil mắc kẹt giữa quyết định xuất khẩu và phục vụ nhu cầu trong nước

Tại Brazil, vụ đậu tương của quốc gia này đã thu hoạch xong với sản lượng ở mức kỷ lục 144 triệu tấn, theo ước tính từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Điều này đã thúc đẩy Brazil đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 với khách hàng chủ yếu là Trung Quốc. Tuy nhiên, quốc gia này đang sắp phải đối mặt với lựa chọn giữa việc xuất khẩu và phục vụ nhu cầu trong nước khi tồn kho đang ngày càng có dấu hiệu cạn kiệt.

Khối lượng xuất khẩu của Brazil đã bắt đầu có xu hướng giảm, do hoạt động xuất khẩu đậu tương Brazil mang tính chu kỳ nên sẽ đạt mức đỉnh vào giai đoạn tháng 4 – tháng 5 sau đó giảm dần. Trong giai đoạn đó hoạt động xuất khẩu đã tăng rất mạnh so với cùng kỳ giai đoạn trước với tháng 4 tăng 8.4% và tháng 5 ghi nhận mức tăng 6.1%, điều này là dễ hiểu khi sản lượng thu hoạch được ở mức cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu lại bắt đầu có dấu hiệu đuối sức kể từ tháng 6 với khối lượng đạt 11.1 triệu tấn, giảm đến 13% so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng sụt giảm xuất khẩu bắt đầu kéo sang tháng 7. Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Ngoại thương Brazil (Secex), xuất khẩu đậu tương Brazil trong tháng 7 ước tính đạt hơn 7 triệu tấn, sụt giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Các phân tích từ thị trường lý giải rằng, hoạt động xuất khẩu đậu tương Brazil sụt giảm là do nhu cầu của Trung Quốc chậm lại bởi các trục trặc trong ngành chăn nuôi cũng như ngành chế biến đậu tương.

Nhưng cần nhớ lại rằng, hoạt động nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc từ Brazil sẽ thường đạt đỉnh vào tháng 6 và sau đó chậm lại. Tức là mọi năm, dù Trung Quốc có gặp các vấn đề về ngành chăn nuôi và ngành công nghiệp đậu tương thì Bắc Kinh vẫn sẽ hạ dần tỷ trọng nhập khẩu từ Brazil để chuyển sang đậu tương Mỹ khi vụ thu hoạch tới gần. Nếu nhìn vào mức xuất khẩu cùng kỳ tháng 6 và tháng 7 năm 2020, mức xuất khẩu vẫn tốt hơn so với cùng kỳ năm 2019. Với một vụ mùa bội thu nhưng hoạt động xuất khẩu suy giảm chứng tỏ Brazil đang chủ động giảm nhập khẩu.


Theo Vlamir Brandalizze – chuyên gia tư vấn thị trường nông sản cho biết, các bang như Rio Grande do Sul vẫn còn rất nhiều đậu tương nhưng các nhà sản xuất lại tuyên bố không muốn bán hàng trong thời điểm hiện tại mà sẽ chỉ quay lại thị trường vào tháng 10. Trong khi đó tại Mato Grosso lại ghi nhận có ít đậu tương hơn và hoạt động bán hàng ở đây đang kém sôi nổi.

Mặt khác, thị trường hiện tại đang chờ đợi kỳ vọng về mức tiêu thụ đậu tương sẽ bùng nổ trong thời gian tới khi chính phủ Brazil quyết định nâng tỷ lệ pha trộn dầu thực vật nói chung trong pha trộn nhiên liệu sinh học. Trước đó một vài tháng, khi giá dầu thực vật tăng quá cao, chính phủ đã quyết định giảm tỷ lệ pha trộn nhiên liệu sinh học trong xăng dầu từ mức 13% xuống 10%. Hiện tại, tỷ lệ này sẽ tăng lên trở lại mức 12% từ tháng 9 cho đến tháng 10, 13% từ tháng 11 đến tháng 12 và đến tháng 3-2022 sẽ tăng lên mức 14% và 15% vào cuối năm 2022.

Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu về đậu tương tăng mạnh, qua đó tạo động lực thúc đẩy ép dầu đậu tương. Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội ngành công nghiệp hạt có dầu Brazil (Abiove), sản lượng ép dầu đậu tương trong tháng 5 đạt 3.8 triệu tấn, tăng so với mức 3.7 triệu tấn vào tháng 4. Tồn kho đậu tương Brazil hàng tháng cũng cho xu hướng giảm khi hoạt động ép dầu của quốc gia này gia tăng trở lại.

Tình hình thời tiết đang là vấn đề đáng quan ngại đối với đậu tương Mỹ

Giá đậu tương Mỹ giao dịch trên Sàn giao dịch Chicago đã tăng giá liên tục tăng giá trong những phiên gần đây, điều này đã phản ánh điều kiện bất lợi về thời tiết tại Mỹ. Theo báo cáo tiến độ mùa vụ cây trồng mới nhất từ USDA, trong tuần kết thúc ngày 25/07 chất lượng đậu tương đã tiếp tục sụt giảm 2 điểm phần trăm xuống mức 58% so với tuần trước đó. Thời tiết khô hạn đang xâm lấn vào khu vực trồng đậu tương chủ chốt của quốc gia này, khiến cho cây thiếu đi độ ẩm trong quá trình tạo vỏ rất quan trọng, điều này sẽ tác động xuất đến năng suất.

Theo Tiến sĩ Michael Cordonnier – chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hàng hóa cho biết sẽ giữ nguyên dự báo của ông ấy cho năng suất đậu tương ở mức 50 giạ/mẫu trong năm. Ông cho biết đậu tương không phát triển tốt như ngô trong mùa sinh trưởng, thời gian 4 đến 5 tuần tới sẽ xác định năng suất cuối cùng của đậu tương. Năng suất đậu tương phía đông vành đai ngô tương đối tốt, nhưng phía tây bắc vẫn tiềm ẩn nhiều điều không chắc chắn bởi các điều kiện căng thẳng về nhiệt độ.

Theo các mô hình dự báo thời tiết cho thấy, kịch bản sẽ tiếp tục bất lợi cho đậu tương trong thời gian tới với lượng mưa phân bố kém, khá thấp tại phía tây Hoa Kỳ, nhiệt độ sẽ tiếp tục cao. Cụ thể, chủ yếu khô hạn tại Dakotas, Nebraska, tây Kansas, nam Texas, Minnesota và bắc Iowa. Lượng mưa từ nhẹ đến trung bình ở các khu vực khác.

Điều kiện thời tiết bất lợi làm sụt giảm năng suất sẽ dẫn đến nguy cơ suy giảm về sản lượng đậu tương thu hoạch. Mặt khác nhu cầu nội địa Hoa Kỳ ngày càng cao sẽ khiến cho quốc gia này tiếp tục thắt chặt nguồn cung có thể xuất khẩu trong niên vụ mới 2021/22. Theo USDA, Hoa Kỳ ước tính sẽ xuất khẩu khoảng 56.47 triệu tấn đậu tương trong niên vụ mới, thấp hơn so với mức 61.78 triệu tấn trong niên vụ 2020/21, tương đương mức giảm 9%. Trong khi tồn kho quốc gia này vẫn đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm.


Về tình hình xuất khẩu hiện tại, có thể thấy hoạt động bán hàng cả vụ mới và vụ đang khá trầm lắng. Tỷ trọng bán hàng đậu tương sang Trung Quốc thường ở mức rất lớn trong doanh số bán hàng, nên việc Trung Quốc chậm lại nhu cầu thu mua cũng khiến cho các giao dịch trở nên kém sôi động hơn. Hiện tại, có thể thấy Trung Quốc chủ yếu mua hàng vụ mới của Mỹ, vụ đang chịu tác động bởi khô hạn trong quá trình tạo vỏ.

Tính đến tuần kết thúc ngày 15/07, bán hàng đậu tương vụ mới đạt 176 nghìn tấn, giảm 39% so với tuần trước đó. Trong đó, bán sang Trung Quốc ghi nhận ở mức chỉ 6 nghìn tấn, hai tuần trước đó không ghi nhận doanh số bán hàng vụ mới nào sang Trung Quốc. Chính vì vậy, thị trường đang rất trông chờ vào động lực mua hàng từ Trung Quốc, trong bối cảnh quốc gia này đang phải hứng chịu bão lũ gây tác động xấu đến mùa màng.

Theo Tổng giám đốc điều hành của Archer Daniels Midland (ADM) ông Juan Luciano cho biết, với những tác động của mưa lũ trong thời gian qua có thể thúc đẩy Trung Quốc nhập khẩu thêm 2 triệu tấn đậu tương nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung hạt cải dầu. Trung Quốc cũng sẽ sớm quay lại cho gia súc ăn nhiều khô đậu tương hơn, dẫn đến gia tăng nhập khẩu đậu tương.

Như vậy trong bối cảnh nguồn cung đang có nguy cơ thu hẹp và triển vọng nhập khẩu đậu tương từ Trung Quốc gia tăng, thị trường kỳ vọng giá đậu tương có thể có được những hỗ trợ thúc đẩy giá có xu hướng tăng, ít nhất là trong ngắn.

Nguồn: Saigon Futures


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn