Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gỗ dán đạt giá trị trên 659 triệu USD, chiếm 5% tổng thị phần xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu sản phẩm này.
Bộ Tài chính cho rằng, mục tiêu và nguyên tắc đánh thuế xuất khẩu là để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản không tái tạo.
Mới đây, Hiệp hội gỗ Lâm sản Việt Nam đề nghị tăng thuế xuất khẩu mặt hàng gỗ dán từ 10% hiện hành lên 25%, với lý do gỗ dán không chỉ là nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ, còn làm vật liệu xây dựng, ván sàn. Hiện nước ta có trên 340 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và xuất khẩu mặt hàng gỗ dán trong năm 2020, và tiếp tục tăng.
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gỗ dán đạt giá trị trên 659 triệu USD, chiếm 5% tổng thị phần xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu sản phẩm này. Do đó, theo quan điểm của hiệp hội cần tăng thuế đề hạn chế xuất khẩu, đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
Trả lời đề xuất trên, Bộ Tài chính cho rằng, nhóm mặt hàng gỗ dán có khung thuế xuất khẩu từ 5-25%, hiện áp dụng là 10%. Mặt hàng này hiện là nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm đồ nội thất, nhưng cũng là sản phẩm có nguyên liệu đầu vào từ dăm gỗ (dăm gỗ là sản phẩm của nông dân).
Bộ Tài chính cho rằng, mục tiêu và nguyên tắc đánh thuế xuất khẩu là để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản không tái tạo, hạn chế xuất khẩu khoáng sản, tài nguyên thô chưa qua chế biến.
Tuy nhiên, gỗ dán không phải có nguồn gốc tài nguyên không tái tạo, đây lại là đầu ra cho dăm gỗ từ rừng trồng của nông dân, tạo công ăn việc làm. Do đó, Bộ Tài chính nhìn nhận, mức chênh lệch giữa thuế xuất khẩu dăm gỗ (2%) với thuế xuất khẩu gỗ dán (10%) đã hợp lý.
Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ chưa xem xét điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu mặt hàng này trong giai đoạn hiện nay, nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.
Nguồn: Tiền Phong
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.