Quý II/2021, dịch tả heo châu Phi (ASF) và đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi các biến thể mới dễ lây lan hơn xuất hiện, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ của thị trường heo thế giới và Việt Nam.
Tại các quốc gia sản xuất, tác động của dịch COVID-19 làm đình trệ hoạt động vận tải khiến nguồn cung địa phương tăng lên, trong khi nhu cầu từ dịch vụ ăn uống tiếp tục giảm vì các lệnh hạn chế đã giúp giá thịt heo hạ nhiệt so với thời gian trước.
Giá heo hơi và thịt heo tại Trung Quốc tiếp tục giảm sâu chủ yếu bởi đàn heo được nuôi béo lên bằng trọng lượng của một con gấu bắc cực, cùng với việc người chăn nuôi phải bán tháo kể cả heo nhỏ khi dịch ASF bùng phát trở lại.
Giá thịt heo bán buôn nước này đã giảm gần 50% trong năm nay xuống 23,57 NDT/kg, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2019, riêng trong quý II giá heo hơi trung bình đã “bốc hơi” 33,75%.
Tại Việt Nam, giá chủ yếu biến động nhẹ trong tháng 6, nhưng vẫn giảm mạnh trong cả quý II/2021 khi nhu cầu yếu đi trong khi nguồn cung phục hồi và lượng nhập khẩu tăng.
Biến động giá heo hơi tháng 6/2021. Tổng hợp: Ly Ly Cao. Đồ hoạ: Alex Chu.
Ngoài ra các lệnh hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan dịch COVID-19 tại TP HCM khiến đầu ra của các trại nuôi heo tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai gặp khó.
Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong tháng 5 khiến nhiều hộ phải bán sớm cắt lỗ, vì càng nuôi càng lỗ.
Trong tháng 6, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã có xu hướng giảm so với tháng 5, trong đó giá ngô giảm 5,2%, khô dầu đậu tương giảm 2,5%, cám mì giảm 2,6%, bã ngô giảm 1%. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng khoảng 2% so với tháng 5.
Tuy nhiên, bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc.
Những ngày đầu tháng 7, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính tiếp tục giữ xu hướng giảm, cụ thể ngô giảm 2%, khô dầu đậu tương giảm 1,7%, cám mì giảm 0,6%, bã ngô giảm 2%, nhưng giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm vẫn tăng so với tháng 6, tăng 1,7 - 2%, do hiện tại các doanh nghiệp lấy lý do sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn đang phải sử dụng nguyên liệu được mua với giá cao từ các tháng trước.
Dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tới việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên đẩy giá cám lên cao. Mặc dù khó khăn này chỉ là tạm thời, nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng tới quá trình chăn nuôi, làm chậm lại nỗ lực khôi phục đàn heo, theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.
Nguồn: VietnamBiz
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.