Dịch COVID-19 khiến sức tiêu thụ trong nước giảm mạnh và hầu như không thể tiêu thụ được trước sự cạnh tranh của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu.
Theo ghi nhận của tổ chức ISO, trong nửa đầu tháng 5/2021 chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng dao động theo xu hướng tăng vào đầu tháng sau đó bắt đầu giảm.
Giá đường thô giao ngay (được đo bằng chỉ số ISA) trung bình là 17,25 cent/lb trong tháng 5 tăng so với 16,16 cent/lb trong tháng 4, và mức 15,54 cent/lb của tháng 3.
Chỉ số giá đường trắng ISO trung bình tháng 5 là 458,95 USD/tấn tăng so với 446,37 USD/tấn của tháng 4, và 445,32 USD/tấn của tháng 3.
Diễn biến giá đường thế giới trong tháng 5 (Nguồn: ISO. Đơn vị: cents/pound).
Tại thị trường trong nước, theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) trong tháng 5/2021 ngành đường Việt Nam kết thúc vụ ép 2020-2021 với tổng lượng mía ép luỹ kế hơn 6,7 triệu tấn mía sản xuất được 689.830 tấn đường.
Tình hình bùng phát dịch COVID-19 trong tháng 5 khiến sức tiêu thụ giảm mạnh. Đường sản xuất từ mía trong nước hầu như không thể tiêu thụ được trước sự cạnh tranh của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu.
Cũng trong tháng 5, Bộ Công Thương chính thức áp thuế 47,64% đối với cả đường thô và đường tinh luyện. Mức thuế này có hiệu lực trong năm nay kể từ 16/6 và dự kiến sẽ ảnh hưởng tích cực đến các doanh nghiệp đường nội.
VSSA dự báo nhập khẩu đường từ Thái Lan và các nước ASEAN tiếp tục tăng trong tháng 6 và đường nhập lậu sẽ vẫn hoạt động mạnh mẽ. Cộng với đường sản xuất từ mía trong nước đang tồn kho tiêu thụ chậm, sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 6, tháng 7/2021.
Tuy nhiên, theo VSSA ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.
Nguồn: VietnamBiz
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.