Trên thực tế, việc thu mua, vận chuyển, tiêu thụ nông sản đang bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với Hải Dương.
Nhiều lần kiến nghị "tỉnh bạn" gỡ khó
Theo báo Chính phủ hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ ra vào các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào Hải Dương
Phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp cho biết theo quy định, tất cả các lái xe khi qua trạm kiểm dịch phải có giấy xét nghiệm COVID-19.
Tuy nhiên, các đơn vị y tế chỉ phục vụ xét nghiệm cho người thuộc diện cách ly, chưa xét nghiệm dịch vụ. Hơn nữa, năng lực xét nghiệm của các địa phương có dịch chưa đáp ứng đủ, kịp thời. Kết quả xét nghiệm không thể hiện rõ thời hạn hiệu lực của phiếu xét nghiệm… khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng.
Một số doanh nghiệp phản ánh, kết quả làm xét nghiệm tại một số cơ sở y tế tư nhân không được công nhận. Chính vì vậy, doanh nghiệp không biết kiểm tra âm tính COVID-19 ở đâu và giấy xác nhận có thời hạn bao lâu…
Trong khi đó, các tỉnh, thành phố lân cận đơn cử như TP Hải Phòng chỉ định rõ, chỉ tiếp nhận kết quả xét nghiệm từ CDC Hải Dương trong khi trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn 4 đơn vị nữa được Bộ Y tế cấp phép chứng nhận PCR COVID-19.
Nhưng hiện CDC Hải Dương và các điểm xét nghiệm đang quá tải với việc xét nghiệm phòng chống dịch nên không thể đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm của các doanh nghiệp và lái xe.
Bên cạnh đó, vì chưa có quy trình hướng dẫn bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 trong sản xuất, thu hoạch, bao gói, vận chuyển nông, lâm thủy sản tươi sống từ vùng dịch ra ngoài nên cả bên mua và bên bán đều gặp khó khăn và không tham gia hoạt động kinh doanh nông sản…
Để hỗ trợ Hải Dương tiêu thụ sản phẩm, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đề nghị hỗ trợ đẩy mạnh lưu thông, tiêu thụ hàng hóa của Hải Dương.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của Hải Dương không phải là các thương nhân không về mua, mà do xe hàng không vận chuyển được qua các chốt của một vài địa phương, đặc biệt là Hải Phòng.
Cụ thể, tại chốt kiểm soát liên ngành ở cuối tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, khu vực cửa ngõ ra vào cảng Hải Phòng, người và phương tiện tại các địa điểm không phải vùng dịch đều phải khai báo y tế.
Riêng phương tiện và tài xế từ Hải Dương nếu không bảo đảm các điều kiện như có hợp đồng, đơn hàng cụ thể nơi sản xuất, nơi giao hàng, nơi nhận hàng..., lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR và có giấy xác nhận của CDC Hải Dương trong thời gian 3 ngày gần nhất, sẽ phải quay đầu xe.
Tính từ đầu tháng 2/2021 đến nay, UBND tỉnh Hải Dương đã có 4 công văn gửi TP Hải Phòng đề nghị tháo gỡ khó khăn.
Gần đây nhất, ngày 22/2, UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục có văn bản đề nghị UBND TP Hải Phòng sớm tạo điều kiện cho nông sản của Hải Dương được lưu thông vào Hải Phòng để kịp thời xuất khẩu.
Nông sản ùn ứ nhiều, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Theo báo Hải Dương do ảnh hưởng của dịch COVID-19, diện tích trồng củ đậu rộng hơn 5,5 ha của gia đình anh Đào Huy Du ở thôn Quang Rực, xã Hồng Phong (Ninh Giang) có nguy cơ phải nhổ bỏ.
Đây là hộ có diện tích trồng củ đậu lớn nhất xã Hồng Phong. Hiện đã đến kỳ thu hoạch nhưng gia đình anh mới chỉ bán được số lượng ít với giá "giải cứu" 5.000 đồng/kg cho người dân trong huyện, còn sản lượng khoảng 250 tấn chưa tìm được đầu ra. Trước Tết, gia đình anh Du đã phải nhổ bỏ khoảng 100 tấn củ đậu bị quá lứa.
Số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết đến nay lượng nông sản trong cần tiêu thụ ngay còn nhiều. Toàn tỉnh còn gần 1.500 ha cây vụ đông đến kỳ thu hoạch, chiếm hơn 5% diện tích gieo trồng.
Trong đó, còn 544 ha cà rốt tập trung ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP Chí Linh với sản lượng 30.000 tấn; 632 ha hành, tỏi ở thị xã Kinh Môn cho sản lượng 20.000 tấn nhưng 80% người dân để khô và sấy; rau các loại còn 250 ha, sản lượng đạt 15.000 tấn ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Kim Thành.
Toàn tỉnh còn 15.000 tấn rau các loại đến kỳ thu hoạch. (Ảnh: Báo Hải Dương)
Trong chăn nuôi, lượng heo thịt đến kỳ xuất bán là 45.000 con, sản lượng khoảng 4.520 tấn; tổng gia cầm xuất chuồng hơn 950.000 con, đạt 2.250 tấn; trứng gia cầm thương phẩm còn 3 triệu quả; số lượng gia cầm con cần xuất bán từ 120.000-135.000 con/ngày.
Diện tích ao nuôi đến kỳ thu hoạch khoảng 3.320 ha, sản lượng được xuất bán khoảng 14.900 tấn. Số lượng cá lồng đến kỳ xuất bán khoảng 2.000 lồng, sản lượng 5.000 tấn.
Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Hải Dương thông tin kể từ khi có dịch và dừng lưu thông đến nay đã có trên 100 đơn hàng xuất khẩu nông sản với khoảng 650 container loại 40 feet phải hủy lịch tàu, hủy hợp đồng, thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.
Ước tính đến đầu tháng 3, nếu nông sản của Hải Dương, trong đó có cà rốt tiếp tục không thể xuất khẩu sẽ gây tổng thiệt hại trên 400 tỷ đồng.
Do đó, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Hải Dương đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chỉ đạo Hiệp hội Vận tải ô tô các tỉnh, thành phố toàn quốc kiến nghị tới UBND các địa phương tạo điều kiện về thủ tục để lái xe và phương tiện chở hàng nông sản từ tỉnh Hải Dương ra vào thuận lợi.
Đề nghị các doanh nghiệp hội viên, nhất là các hội viên thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô TP Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp của Hải Dương để kịp thời thu mua, vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu.
Nhiều "cánh tay" đã giơ cao
Ngay sau khi UBND TP Chí Linh có văn đề nghị hỗ trợ tiêu thụ khoảng 650.000 con gà đồi Chí Linh đến kỳ xuất bán, tương đương khoảng 1.625 tấn, do bị dồn ứ, ách tắc bởi dịch COVID-19, Sở Công thương Hà Nội đã có văn bản gửi một số địa phương, cơ quan, đơn vị ở TP Hà Nội và tỉnh Hải Dương về việc hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm gà đồi, nông sản và thủy sản TP Chí Linh.
Cụ thể, Sở Công thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ gia cầm TP Hà Nội chủ động kết nối với đầu mối thu gom, các trang trại, hộ chăn nuôi gà đồi Chí Linh để khai thác, vận chuyển về Hà Nội tổ chức giết mổ, đóng gói bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.
Hỗ trợ tối đa các hoạt động, chi phí tổ chức các khâu xét nghiệm gà lông, giết mổ, làm mát, đóng gói, tem nhãn, vận chuyển từ trang trại về nhà máy và từ nhà máy đến nơi tiêu thụ, bảo quản sản phẩm trong kho lạnh; chủ động phối hợp ngành chức năng kết nối, đưa thành phẩm tiêu thụ tại các siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, tổ chức đoàn thể chính trị trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương cơ quan này đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (Chuỗi siêu thị BRG Mart), Chuỗi siêu thị MM Mega Market ….để thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương.
Đến thời điểm hiện nay, Central Group đã thu mua lượng lớn rau, củ, quả của tỉnh Hải Dương tiêu thụ trong hệ thống, khoảng 100 tấn/tuần, dự kiến tăng lên 200 tấn/tuần.
MM Mega Market (Việt Nam) đã có văn bản cam kết về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương, đã đặt mua 24,3 tấn rau quả/ngày từ Hải Dương (bao gồm su hào, cải bắp và ổi) và sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong những ngày tới để phân phối về các trung tâm của MM tại miền Trung và miền Nam; Hệ thống Vinmart cũng đã liên hệ và đặt hàng một số loại nông sản an toàn.
Không chỉ các doanh nghiệp tham gia đẩy mạnh tiêu thụ nông sản Hải Dương, nhiều nhóm cá nhân đã nhanh chóng lập các nhóm cứu trợ rau củ giúp nông dân tỉnh này. Các lời mời chung tay giúp đỡ nhà nông sản Hải Dương tiêu thụ hàng hoá đang được nhiều người hưởng ứng trên mạng xã hội.
Như Huỳnh
Tags:
Tin tức