Tiền Giang: Lúa đông xuân sớm không lo hạn mặn

Vụ đông xuân 2020-2021, vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) xuống giống gần 23.000ha lúa. Đến nay, khoảng 8.000ha lúa đã trổ và chín không cần nguồn nước.

Nhờ chủ động trong công tác thủy lợi và thay đổi lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên hiện nay, lúa đông xuân vùng ngọt hóa Gò Công thuộc các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công của tỉnh Tiền Giang phát triển tốt. Nguồn nước ngọt dồi dào nên nhiều khả năng trà lúa của tỉnh không bị ảnh hưởng của hạn mặn. Nông dân vùng này đang rất phấn khởi và tin tưởng sẽ có mùa bội thu.

Trà lúa đông xuân của tỉnh Tiền Giang phát triển tốt không lo hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Quân Nhu, ở xã Kiểng Phước cũng như nhiều nông dân vùng ven biển của huyện Gò Công Đông rất phấn khởi khi nguồn nước ngọt dồi dào, lúa phát triển tốt có nhiều khả năng không bị ảnh hưởng do hạn mặn. "Ruộng mình trà lúa phát triển tốt, nước đầy đủ không bị xâm nhập mặn. Thời điểm này nước dư luôn, so với năm rồi thì nước năm không thiếu", ông Nhu nói.

Thật vậy, đến vùng ngọt hóa Gò Công từ huyện Chợ Gạo đến vùng ven đê biển Gò Công, của tỉnh Tiền Giang, chúng tôi đều chứng kiến hệ thống thủy lợi như: kênh trục, kênh sườn đều chứa đầy nước. Cống Xuân Hòa tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo hiện đang lấy nước từ sông Tiền trong điều kiện bình thường để cấp bổ nước liên tục cho kênh mương toàn khu vực này. So với cùng kỳ năm ngoái, mực nước trong kênh nội đồng của vùng ngọt hóa Gò Công hiện nay cao hơn từ 0,4-0,5m.

Tại xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 900 ha lúa đông xuân. Thực hiện chủ trương của tỉnh, năm nay nông dân địa phương chỉ làm 2 vụ lúa và gieo sạ sớm hơn các năm trước. Ở thời điểm này, hầu hết diện tích lúa đã ngậm đòng và trổ nên khả năng không thiếu nước.

Ông Phong chia sẻ: Lúa phát triển tốt, so với thời điểm mà làm 3 vụ thì lúc này phải bơm. Nước sản xuất ở góc độ địa phương đánh giá thì đảm bảo. Chủ trương của tỉnh không cho làm 3 vụ nên chắc chắn mình sẽ vận động người dân không tiếp tục xuống giống nữa, chủ yếu để trữ nước cho sản xuất hoa màu và chăn nuôi.

Ở vụ lúa đông xuân 2020-2021, toàn vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh Tiền Giang xuống giống gieo sạ gần 23 nghìn ha lúa và hơn 3.000 ha hoa màu. Đến thời điểm này, có khoảng 8.000 ha lúa đã trổ và chín không cần nguồn nước. Riêng 15.000 ha lúa còn lại đang ở giai đoạn trên 50 ngày tuổi đã ngậm đòng. Do đó, nếu xảy ra hạn mặn thì có nhiều khả năng diện tích lúa nơi đây không bị thiệt hại. Đáng ghi nhận, vụ lúa đông xuân này vùng ngọt hóa Gò Công rất tươi tốt, ít sâu bệnh, có thể cho năng suất cao.

Có được nguồn nước dồi dào như hiện nay là nhờ chủ trương của UBND tỉnh và ngành nông nghiệp Tiền Giang trong việc triển khai làm thủy lợi, khai thông dòng chảy, trục vớt lục bình. Đồng thời, chính quyền địa phương vận động nông dân vùng chịu tác động của hạn mặn này sản xuất 2 vụ lúa trong năm. Ngoài ra, công ty TNHH Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang tích cực vận hành cống đập, chủ động lấy nguồn nước ngọt vào nội đồng.

Vận hành cống Xuân Hoà lấy nước ngọt. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang - đơn vị chủ lực vận hành hệ thống thủy lợi vùng ngọt hóa Gò Công cho biết thêm: Vùng ngọt hóa Gò Công thì nước mênh mông, trong đồng đang trữ nước. Một tháng nữa mới cắt nước mà bây giờ nước trong đồng chúng tôi trữ đầy hết cho nên lúa sẽ không bị thiệt hại. Hiện giờ, đang vận hành cống Xuân Hòa, cống Rạch Chợ khai thác tối đa trước khi nước mặn. Khả năng 1 tháng nữa tới tết nước vùng ngọt hóa Gò Công không thiếu”.

Vụ lúa đông xuân là vụ mùa chính trong năm ở tỉnh Tiền Giang. Với nguồn nước ngọt dồi dào và cánh đồng lúa vùng ngọt hóa Gò Công xanh tốt, tin rằng nông dân vùng này sẽ gặt hái được vụ mùa bội thu, đem lại niềm vui khi xuân về, tết đến.
Minh Đảm



*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn