Vải thiều, chuối, thanh long… lũ lượt xuất ngoại đã giúp xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt khoảng 1,8 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thống kê trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt khoảng 1,8 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó giá trị xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 6/2020 đạt 300 triệu USD, tăng 8,4% so với tháng 6/2019.
Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2020, đạt 906,1 triệu USD, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu ghi nhận được giá trị xuất khẩu sang nhiều thị trường khác tăng trưởng cao.
Xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 68 triệu USD, tăng 233,4% so với 6 tháng đầu năm 2019. Kim ngạch với Hàn Quốc đạt 67,4 triệu USD, tăng 21,9%. Rau quả xuất sang Hoa Kỳ đạt 62 triệu USD, tăng 6,2%. Con số này với thị trường Nhật Bản là 57,7 triệu USD, tăng 15,7%,…
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, xuất khẩu rau quả có nhiều tín hiệu khả quan trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, điển hình là việc trái chuối của Việt Nam đã chính thức vào hệ thống siêu thị Lotte của Hàn Quốc.
Hiện tại, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu chuối lớn thứ 12 trên thế giới, trị giá nhập khẩu chuối của Hàn Quốc chiếm 1,9% tổng kim ngạch toàn cầu, đạt 301,6 triệu USD trong năm 2019. Việt Nam là nguồn cung chuối lớn thứ 6 cho Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2020, đạt 2,6 nghìn tấn, trị giá 1,6 triệu USD.
Tuy vậy, thị phần chuối của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc giảm nhẹ trong 5 tháng đầu năm 2020. Việc Lotte Mart giới thiệu và phân phối sản phẩm chuối của Việt Nam tại chuỗi siêu thị Lotte tại thị trường Hàn Quốc là cơ hội lớn để trái chuối của Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường có quy mô nhập khẩu chuối lên tới 300 triệu USD/năm.
Cùng với chuối xuất khẩu sang Hàn Quốc, quả vải của Hải Dương và Bắc Giang đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Singapore. Trong khi đó, thị trường Ấn Độ rất ưa chuộng trái thanh long, vải, chôm chôm của Việt Nam.
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, riêng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đã giúp tỉnh có khoảng 7.000 tỷ đồng, cao hơn năm 2019 khoảng 500 tỷ đồng và cao nhất từ trước đến nay.
Gần đây, trái nhãn Sơn La đã đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu ra thế giới. Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, đây đều là những tín hiệu rất tích cực cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Cục Xuất Nhập khẩu nhận định, những yếu tố tích cực nêu trên và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 sắp tới, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành hàng rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, để xuất khẩu được vào khối thị trường nổi tiếng khó tính này, Cục khuyến nghị, ngành hàng rau quả của Việt Nam cần cải thiện thêm về chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đạt được những tiêu chuẩn của thị trường EU.
Ngoài ra, nông sản Việt Nam vừa ghi điểm tại các thị trường mới, phần nhiều là mặt hàng rau quả chế biến. Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, Cục Xuất nhập khẩu nhìn nhận, sản phẩm rau quả chế biến sẽ vẫn là chủng loại chiếm ưu thế bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu.
Hiện rau quả xuất khẩu tươi của Việt Nam chiếm khoảng 69%, còn lại là hàng sơ chế và chế biến sâu. Tỷ lệ này vẫn có sự chênh lệnh lớn, và Cục Xuất nhập khẩu cho rằng cần được cải thiện hơn nữa.
Thị trường đang hướng tới những sản phẩm chế biến sâu như hàng sấy khô, nước ép đóng hộp. Các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là khi phát triển theo hướng chế biến, rau quả Việt có thể kiểm soát được giá thành, nâng giá trị hàng hoá gấp 3-4 lần so với quả tươi.
Nguồn: Cung Cầu
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.