Nhu cầu hạn chế do COVID-19, trong khi thị trường Brazil chào giá thấp, có thể đẩy giá tiêu Việt Nam lao dốc trong tuần tới.
Giá tiêu hôm nay 5/7 ghi nhận tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang ở mức 51.000 đồng/kg; Đắc Lắc, Đắc Nông và Bình Phước với 49.500 đồng/kg; Gia Lai có giá 48.500 đồng/kg; Đồng Nai là 48.000 đồng/kg.
Nhìn lại giá tiêu từ ngày 29/6 - 5/7 cho thấy, nông sản này đã quay đầu tăng trung bình từ 1.500 - 2.000 đồng/kg tại hầu hết các tỉnh, thành trọng điểm trong nước và trở lại mốc cao nhất là 51.000 đồng/kg tại Vũng Tàu.
Tuy nhiên, trong tuần qua tại cảng khu vực TP.HCM của Việt Nam, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm do nhu cầu của các nhà nhập khẩu nước ngoài giảm sau khi đã nhập một số lượng lớn 150.000 tấn.
Làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 đã bùng phát đã ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường xuất khẩu chính. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đẩy mạnh bán ra cũng tác động tiêu cực đến giá hạt tiêu của Việt Nam.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá tiêu tháng 6 giảm trở lại sau khi chạm mức đỉnh 60.000 đồng/kg vào ngày 29/5.
Người dân hạn chế bán ra để chờ giá tăng lên, do đó các nhà nhập khẩu đã chuyển hướng sang thị trường Brazil với mức giá chào thấp hơn.
Ngày 30/6, giá hạt tiêu đen trong nước giảm so với ngày 30/5. Mức giảm thấp nhất là 9,6% tại huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai; mức giảm cao nhất là 13% ở tỉnh Đồng Nai, xuống còn 47.000 đồng/kg.
Giá hạt tiêu trắng giảm 2,9% so với cuối tháng 5, xuống còn 66.000 đồng/kg và thấp hơn so với mức 72.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2019.
Theo Nông nghiệp Việt Nam, sau khi tham gia chuyến đi khảo sát thực trạng ở các vùng trồng tiêu trọng điểm, từ Bà Rịa - Vũng Tàu tới Tây Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho rằng, trong niên vụ 2020 - 2021, sản lượng tiêu sẽ tiếp tục giảm mạnh tới 30%. Trong niên vụ 2019 - 2020, sản lượng tiêu Việt Nam ước khoảng 240.000 tấn, giảm mạnh so với 300.000 tấn của niên vụ trước đó.
Cũng theo nguồn này, tại hầu hết các vùng trồng tiêu trọng điểm, đa số các vườn tiêu đã xuống cấp do nông dân không còn khả năng, và không mấy quan tâm tới vườn tiêu sau 4 năm liên tục xuống giá, từ mức 200.000 đồng/kg xuống còn 35.000 đồng/kg (hồi tháng 4/2020).
Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt trong năm nay cũng làm hỏng hàng loạt vườn tiêu, khiến cho năng suất, sản lượng tiêu đang có xu hướng sụt giảm.
Ở thị trường thế giới, giá hạt tiêu ổn định tại Brazil, giảm tại Malaysia nhưng tăng tại Ấn Độ và Indonesia.
Cụ thể, Tại Brazil, giá hạt tiêu đen xuất khẩu Brazil ổn định mức 2.000 USD/tấn, thị trường hầu như không có giao dịch.Tại cảng Kochi (Ấn Độ), ngày 30/6 giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 0,9% so với ngày 30/5, lên mức 4.374 USD/tấn.
Nguồn cung hạt tiêu trên sàn giao dịch Kochi giảm. Trong khi đó, nhu cầu thị trường dần phục hồi sau giai đoạn trì trệ tháng 4 và tháng 5. Do đó, các thương nhân chuyển hướng sang nhập khẩu hạt tiêu từ Sri Lanka và Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo thời gian tới, giá hạt tiêu sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu tích trữ lúc giá ở mức thấp. Về dài hạn, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ được hỗ trợ khi sản lượng ở hầu hết các nước sản xuất lớn đều giảm mạnh, trong đó có Việt Nam.
Giá hạt tiêu thế giới đã giảm 4 năm liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguyên nhân do năm 2015 giá mặt hàng này cao kỷ lục của mọi thời đại dẫn tới việc các nước sản xuất đẩy mạnh diện tích trồng trọt khiến sản lượng tăng nhanh hơn so với nhu cầu dẫn tới tình trạng dư thừa.
Nguồn: Cung Cầu
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.