Việc nhập khẩu rau, trái cây tươi và chế biến vào Nhật Bản phải trải qua những qui trình như kiểm soát nhập khẩu, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm, thông quan nhập khẩu.
Ảnh: VietRAP |
1. Kiểm soát nhập khẩu
Theo hệ thống hạn ngạch thuế quan áp dụng cho nhập khẩu các loại rau và trái cây, các nhà nhập khẩu muốn nhận được hạn ngạch trong mức thuế quan ưu đãi phải nộp đơn đăng kí cho Phòng Các vấn đề kinh tế quốc tế, Vụ Các vấn đề quốc tế, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp.
Muốn trở thành đối tượng được nhận hạn ngạch thuế quan, người nộp đơn phải đáp ứng đủ các điều kiện bắt buộc, trong đó bao gồm việc có kinh nghiệm thực hiện thông quan nhập khẩu cho các loại sản phẩm khác nhau.
2. Kiểm dịch thực vật
Luật Bảo vệ thực vật qui định việc nhập khẩu số lượng lớn rau và trái cây tươi chỉ được tiến hành tại một số cảng hàng không, hay cảng biển nhất định nơi có khả năng thực hiện các biện pháp bảo vệ thực vật, nhằm mục đích ngăn ngừa dịch bệnh và sâu bệnh xâm nhập vào đất nước.
Vì vậy cần lựa chọn phù hợp cảng biển hoặc cảng hàng không, nơi sẽ dỡ hàng từ trước khi hàng được vận chuyển từ nước xuất khẩu. Lưu ý rằng không phải tất cả các Trạm kiểm dịch đều có chức năng kiểm dịch thực vật.
Các tài liệu phục vụ việc kiểm dịch hàng tại các Trạm Kiểm dịch cần phải được nộp ngay sau khi hàng cập cảng. Trong trường hợp sau khi kiểm dịch hàng bị từ chối nhập khẩu do phát hiện dịch bệnh hay sâu bệnh, cơ quan chức năng có thể sẽ thực hiện biện pháp phun trùng hoặc các biện pháp xử lí khác.
Một số loại rau và trái cây ướp muối, đường hoặc được đóng gói kín để bán lẻ sẽ được miễn kiểm dịch, bao gồm: mơ, sung, hồng, kiwi, mận, lê, chà là, dứa, chuối, đu đủ, nho, xoài, đào, long nhãn.
3. Kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm
Các tài liệu phục vụ kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải được nộp cho bộ phận giám sát thực phẩm nhập khẩu, tại các Trạm Kiểm dịch trực thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. Việc kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được quyết định tiến hành sau giai đoạn xem xét hồ sơ ban đầu.
Nếu như sau giai đoạn xem xét hồ sơ và tiến hành kiểm dịch không phát hiện bất kì vấn đề gì về vệ sinh an toàn thực phẩm, hồ sơ đăng kí kiểm dịch sẽ được xác nhận và được trả lại để người nộp hồ sơ mang đi nộp kèm cùng với tài liệu hải quan khác trong quá trình thông quan.
Trong trường hợp lô hàng bị xác định không phù hợp cho nhập khẩu, cơ quan chức năng có thể áp dụng biện pháp tiêu hủy hàng hóa hoặc trả lại hàng cho bên giao hàng.
4. Thông quan nhập khẩu
Theo Luật Kinh doanh hải quan, tờ khai nhập khẩu phải được thực hiệnư bởi chính các nhà nhập khẩu hoặc có thể ủy quyền cho các chuyên gia về hải quan (bao gồm cả môi giới hải quan) đã được đăng kí hành nghề.
Để một lô hàng từ nước ngoài có thể cập cảng vào Nhật Bản, tờ khai hải quan phải được nộp cho cơ quan hải quan phụ trách khu vực dỡ hàng. Sau khi hàng hóa trải qua các qui trình kiểm tra, kiểm dịch, và các loại lệ phí hải quan hay thuế tiêu dùng nội địa được nộp đầy đủ, nhà nhập khẩu sẽ được nhận giấy phép nhập khẩu.
Nguồn: Kinh tế và Tiêu dùng
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.