Cuốn sách mà các bạn đang đọc trình bày về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) nông sản ở Việt Nam dưới cách tiếp cận khoa học. Chúng ta đang đối mặt với một cơn bão thực phẩm bẩn & không an toàn, đe dọa lâu dài sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Cơn bão này chưa hề có dấu hiệu kết thúc, thậm chí càng lúc càng phức tạp. Ăn gì để không bị ngộ độc? Mua thực phẩm ở đâu để tránh hóa chất, độc tố? Làm sao để phân biệt được bẩn với sạch, an toàn với không an toàn? Nhà cung cấp nào đáng tin cậy? là những câu hỏi thường ngày rất nhiều người tiêu dùng vẫn đặt ra. Nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền để mua thực phẩm an toàn, nhưng không phải lúc nào cũng mua đúng hoặc mua được. Tròn 30 năm đổi mới xây dựng kinh tế thị trường, chúng ta đang đối mặt với một nghịch lý: nhiều gia định lựa chọn không mua thực phẩm trên thị trường, mà tự trồng rau, nuôi gà để đảm bảo ATTP. Có nghĩa là sự quay lại của mô hình tự cung tự cấp. Xã hội Việt Nam đang dần đi đến một nhận thức chung cơ bản rằng thực phẩm là nền tảng sự sống. Nếu thực phẩm không an toàn, chúng ta vừa không thể phát triển con người, vừa không thể có một tương lai bền vững.
Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ trình bày một số hiểu biết mới nhất về sản phẩm, hệ thống sản xuất nông nghiệp, tổ chức tiêu dùng và chính sách ATTP của Việt Nam liên quan đến các nông sản.
Tựu chung về nguyên nhân, chúng tôi cho rằng có 4 nguyên nhân liên quan đến hiện trạng mất ATTP. Nguyên nhân thứ nhất trực tiếp mà chúng ta có thể quan sát được là hệ thống kiểm soát của nhà nước về ATTP chưa thực sự hiệu quả, do mới thành lập. Hệ thống này còn yếu về năng lực, chưa có một cơ sở và nhân lực đảm nhiệm khoa học vững chãi. Chính sách về ATTP đưa ra do đó chưa thực sự khoa học. Nguyên nhân thứ hai là trình độ nhận thức của người sản xuất về ATTP còn yếu kém, sản xuất chủ yếu tự phát chứ không tự giác tìm hiểu mức độ an toàn hay tuân thủ luật pháp. Mặt bằng kiến thức ATTP trong sản xuất còn rất thấp. Nguyên nhân thứ ba gián tiếp nằm sau hai nguyên nhân trên là hiện trạng chung của hệ thống sản xuất lương thực của Việt Nam còn manh mún nhỏ lẻ, ít được đầu tư về công nghệ. Nhà nước không kiểm soát được các chủ thể tham gia vào sản xuất. Cụ thể hơn, các hộ nông nghiệp nhỏ hiện đang đóng góp chủ yếu vào sản xuất lương thực của Việt Nam đa số được miễn đăng ký kinh doanh, tức là nằm ngoài thị trường. Thế nhưng sản phẩm họ làm ra là các nông sản rau & thịt lại lưu thông trên thị trường. Do đó chúng ta hiên đang mất kiểm soát sản phẩm tại gốc. Tiến hành kiểm soát khi sản phẩm đã ra đến thị trường thường là quá muộn. Nguyên nhân cuối cùng, đó là người tiêu dùng, đại diện ngành nghề đặc biệt là ngành nghề thực phẩm, không có một vai trò xứng đáng để bảo vệ quyền lợi của mình. Đối mặt với vấn đề ATTP, Nhà nước không có đủ nguồn lực để đơn phương giải quyết, mà lại chưa được xã hội trợ giúp đúng đúng.
Cuốn sách do hai tác giả Phạm Hải Vũ và Đào Thế Anh chủ biên sẽ cho bạn đọc các thông tin chi tiết về thực trạng ATTP và các bài học kinh nghiệm về ATTP tại Việt Nam.
Tải sách tại đây.
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.