Gần 5 tháng áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường mía Thái Lan, ngành mía đường Việt Nam đã có những khởi sắc nhất định. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng ngành đường cần trung thực với chính mình, tránh đổ lỗi cho hội nhập làm toàn ngành khó khăn.
“Phao” cứu sinh
Gần 5 tháng áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, đến thời điểm hiện tại ngành mía đường Việt Nam đã có những khởi sắc nhất định.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn Ấn Độ, thành lập năm 2000 tại Phú Yên) khẳng định, động thái áp thuế nêu trên chính là “phao cứu sinh” cho ngành mía đường.
“Ngành công nghiệp mía đường hiện tại bị ảnh hưởng bởi Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), nhập khẩu đường không hạn ngạch trong khu vực ASEAN. Trong đó, đường Thái Lan được hậu thuẫn, bán phá giá. Nhờ quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, vụ ép mía năm nay sôi động, giá mía nguyên liệu cao nhất lên 1,4 triệu đồng/tấn. Nông dân trồng mía có lãi, cạnh tranh được với cây trồng khác”, ông Tùng nhấn mạnh.
Ngành mía đường đã có những khởi sắc nhất định trong thời gian qua. Ảnh: Hải Quan Online
Ông Võ Văn Út (thị trấn Củng Sơn, nông dân trồng mía huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) chia sẻ, giai đoạn năm 2008-2012 rất thuận lợi, nông dân thậm chí mua được xe hơi nhờ cây mía. Đến giai đoạn 2015-2019, nông dân điêu đứng bởi thiên tai, hạn hán khiến năng suất kém. Đến niên vụ 2020-2021 thời tiết thuận lợi hơn, đặc biệt nhờ việc áp thuế đường Thái Lan, nông dân yên tâm sản xuất.
"Nông dân chúng tôi hiện nay sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với đường ASEAN. Chúng tôi đã có thể tiếp cận nông nghiệp 4.0 qua điện thoại thông minh, máy tính", ông Út nói.
Bên cạnh các yếu tố khởi sắc, ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang lại chia sẻ những mảng màu còn tối của ngành mía đường. Tại Hậu Giang, trước năm 2010 mía là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, diện tích mía giảm dần, từ hơn 15.000 ha xuống còn hơn 5.000 ha năm 2020. Cả tỉnh hiện chỉ có 1 nhà máy sản xuất đường đang hoạt động. “Đáng chú ý, đường nhập lậu còn nhiều gây nhiều khó khăn cho ngành mía đường ở địa phương; đề nghị cần kiểm soát đường nhập lậu, thực thi nghiêm quyết định chống bán phá giá và trợ cấp đường Thái Lan”, ông Sơn nói.
Thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thành điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan thông qua các quốc gia như Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar về Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh; cần kiểm soát tốt đường nhập lậu, đường lỏng.
Đặc biệt quan tâm tới vấn đề phân bón, ông Võ Văn Út kiến nghị Nhà nước cần kiểm soát giá phân bón, bởi hiện giá phân bón tăng quá cao gây nhiều khó khăn cho nông dân. “1 bao phân ure tăng hơn 2 lần, lên hơn 800.000 đồng/bao”, ông Út dẫn chứng.
Không bảo hộ mù quáng
Khẳng định mía đường là ngành được Chính phủ đặc biệt quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết đây là ngành nhận được sự hỗ trợ phát triển từ những năm 90 của thế kỷ trước. Chính phủ đã nỗ lực bảo vệ ngành này trước sự cạnh tranh của quốc tế trong suốt 25 năm vừa qua. Phải đến năm 2020, Việt Nam mới mở cửa thị trường đường cho các nước.
Việc mở cửa cho thị trường ASEAN bắt đầu từ ngày 1/1/2020. Sau đó, đường giá rẻ Thái Lan tràn vào và chỉ 9 tháng sau, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã thu thập số liệu.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương khởi động điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đường Thái Lan. Đến tháng 2/2021, Bộ Công Thương quyết định đánh thuế tạm thời và đến tháng 6 đánh thuế chính thức ở mức 47,64%. “Đây là một quyết định chưa từng có trong lịch sử ngành đường ASEAN cũng như ngành đường thế giới bởi chưa có nước nào đánh thuế với đường. Nói vậy không phải để bảo hộ đường trong nước mà là lập lại môi trường cạnh tranh”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương cũng lường trước việc Việt Nam đánh thuế chống bán phá giá đường Thái Lan thì sẽ có khả năng đường nước này đi vòng qua các nước ASEAN khác để vào Việt Nam. Do đó, Bộ Công Thương đã đề nghị Hiệp hội Mía đường (VSSA) nghiên cứu tình trạng, đến tháng 9/2021 vừa qua, trên cơ sở đề nghị chính thức của VSSA, Bộ Công Thương đã khởi động điều tra chống lẩn tránh với đường Thái Lan đi qua các nước ASEAN vào Việt Nam.
“Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ đánh giá dữ liệu và đưa ra quyết định đúng pháp luật. Về bước đi cụ thể, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ và đồng hành với DN và người nông dân. Mục tiêu cao nhất là phải tiêu thụ hết mía cho nông dân, bảo đảm vụ mùa có lời. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ làm tất cả những gì trong phạm vi pháp luật cho phép để hỗ trợ cho ngành mía đường Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Dù vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, ngành đường cần trung thực với chính mình, tránh đổ lỗi cho hội nhập làm toàn ngành khó khăn. Phải nhìn nhận đúng để Nhà nước ra chính sách đúng đắn nếu không sẽ thiết kế sai chính sách. Bên cạnh đó, giải pháp phải cân đối được quyền và lợi ích hợp pháp. Nếu thiên về 1 nhóm lợi ích, chính sách sẽ thất bại. “Quan điểm của Bộ Công Thương là không bảo hộ mù quáng với ngành mía đường, lập lại trật tự kinh doanh, lợi ích chính đáng”, ông Trần Quốc Khánh nói.
Bộ Công Thương đề nghị tách bạch ngành mía với ngành đường, không đánh đồng vì bản chất khác nhau, không nhất thiết phụ thuộc lẫn nhau. Nông dân không làm mía có thể làm cái khác có hiệu quả hơn, để không quá phụ thuộc nhà máy đường. Nhưng nhà máy không có mía chắc chắn phá sản, do đó các nhà máy phải coi nông dân là khách hàng, hợp tác trên tinh thần cao nhất để họ tiếp tục đồng hành với mình. Đặc biệt, doanh nghiệp cần đưa ra giá mua hợp lý cho người nông dân vì bình quân giá thu mua khoảng 1 triệu đồng/tấn hiện nay chưa phải là cao. Người nông dân cũng phải nắm được giá đường để có căn cứ đàm phán giá với doanh nghiệp.
Theo Hải Quan Online
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.