Cơ hội gia tăng xuất khẩu nông, thủy sản sang Liên bang Nga và EAEU

VCCI khẳng định sẽ luôn là cầu nối tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nga, EAEU trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh doanh, trao đổi thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam.

Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp tại nhà máy của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu nông sản An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 2/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga và Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam tổ chức Hội thảo kết hợp Đào tạo kỹ năng xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Liên bang Nga và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU).

Khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Tuấn Hải, Trưởng Ban Quan hệ Quốc tế (VCCI) cho biết năm 2020, Việt Nam và Liên bang Nga vừa kỷ niệm 70 năm thành lập quan hệ ngoại giao.

Trên nền tảng đó, đến nay, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 7/2012 và Việt Nam hiện cũng đang là đối tác chiến lược duy nhất của Liên Bang Nga ở khu vực Đông Nam Á.

Tầm cao của quan hệ chính trị, đối ngoại tin cậy tốt đẹp sẽ là nền tảng, là điều kiện thuận lợi cho các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển mạnh mẽ giữa hai quốc gia.

Đặc biệt, từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EAEU (VN-EAEU FTA) chính thức có hiệu lực vào tháng 10/2016 đã trở thành nền tảng vững chắc để thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư giữa hai nước.

Đây cũng là công cụ hữu hiệu, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh; nhất là, hàng nông thủy sản sang thị trường Liên bang Nga cũng như Liên minh kinh tế Á-Âu.

Ông Hải nhấn mạnh với vai trò là đơn vị xúc tiến thương mại quốc gia, VCCI khẳng định sẽ luôn là cầu nối tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nga, EAEU nói riêng và các doanh nghiệp quốc tế nói chung trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh doanh, trao đổi thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam, vì sự phát triển và hợp tác lâu dài giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Đại diện Cơ quan thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, ông Tsygankov Kirill, Cố vấn thương mại cho biết, hợp tác kinh tế thương mại là một nhân tố quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam.

Từ năm 2016, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EAEU đã bắt đầu có hiệu lực và 98% các dòng thuế đã được đưa về mức thuế suất 0%.

Đánh giá cao triển vọng xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam sang Nga, ông Kirill cho hay, Việt Nam có đa dạng các loại trái cây nhiệt đới tươi ngon, rau củ bổ dưỡng. Tiếc là người tiêu dùng Nga chưa được làm quen nhiều với các mặt hàng rau quả tươi do chưa được giới thiệu trên thị trường Nga.

Nếu như ở các thành phố lớn ở khu vực trung tâm của Nga, trái cây Việt Nam được bày bán ở một số hệ thống siêu thị, thì ở vùng Siberia và Viễn Đông của Nga những mặt hàng này hầu như không thể tìm ra cho dù vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến phần phía Đông của Nga gần hơn và thuận tiện hơn nhiều.

Vì thế, ông Kirill khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt.

Công ty đường sắt Nga và công ty RATRACO của Việt Nam đã thử nghiệm thành công đoàn tàu container chạy tuyến Nga-Việt Nam đi qua lãnh thổ Trung Quốc nối với cửa khẩu đường sắt quốc tế "Zabaikalsk" (thuộc Khu vực cấp liên bang Viễn Đông) và đi tiếp đến ga Vorsino (trên địa giới của tỉnh Moskva). Thời gian vận chuyển khoảng 2-3 tuần.

Đối với hàng hóa có tỷ suất lợi nhuận cao và dễ hư hỏng, có thể cân nhắc việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, khi giá vận chuyển hàng không đang rất cạnh tranh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và một số lượng lớn máy bay được hoán đổi để từ chở khách chuyển sang chở khách kết hợp chở hàng và chuyên chở hàng.

Chế biến tôm xuất khẩu tại công ty Cafatex-Hậu Giang. (Ảnh: TTXVN)

Ông Kirill cũng khuyến nghị lưu ý đến một số hãng vận tải như: Volga-Dnepr, Aeroflot Cargo (có văn phòng đại diện ở Việt Nam); cũng như, Hãng hàng không VietJet, là hãng đang dự kiến mở các chuyến bay thẳng; trong đó, có các chuyến bay vận tải, theo tuyến Hà Nội-Vladivostok và các thành phố khác vùng Viễn Đông của Nga.

Hay như vận tải biển, là phương án vận tải rẻ và thuận tiện nhất. Hiện nay, hàng hóa trao đổi giữa hai nước chủ yếu đi qua các cảng của Việt Nam ở Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh và các cảng của Nga ở vùng Viễn Đông là Vladivostok, Vostochnyi, một phần hàng hóa đi qua cảng Saint Petersburg (biển Baltic, phía Bắc của Nga) và cảng Novorossyisk (biển Đen, phía Nam của Nga). Vận chuyển bằng đường biển mất khoảng 4-6 tuần tùy vào cảng đến ở Nga.

Trong tương lai, nếu hàng hóa trao đổi tăng lên giữa hai nước, cần phải tổ chức vận chuyển hàng hóa trực tiếp bằng đường biển mà không cần phải trung chuyển ở Hong Kong (Trung Quốc) hay các cảng của Trung Quốc, Hàn Quốc để có thể rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa giữa thị trường hai nước.

Ông Kirill cũng đặc biệt lưu ý đến tính thời vụ, như vào mùa lạnh và lúc giao mùa, nhu cầu rau quả tươi ở Nga cao hơn nhiều so với mùa Hè. Hay vào dịp các ngày lễ truyền thống như năm mới, theo truyền thống Nga, trên bàn bao giờ cũng bày quýt, nên vào tháng 12, tháng 1, nhu cầu quýt tăng lên nhiều lần.

Vì lẽ đó, các mặt hàng như quýt, dưa bở, dưa hấu, xoài, bưởi... là những mặt hàng và những phân khúc thị trường mà các nhà xuất khẩu Việt Nam cần đặc biệt lưu ý. Các trái cây lạ đối với người tiêu dùng Nga cũng rất đáng được quan tâm như: vải, thanh long...

Một phân khúc có triển vọng nữa là thủy hải sản của vùng biển phía Nam của Việt Nam như: tôm hoàng đế, tôm hùm, cá ngừ, cá cam Nhật (Seriola quinqueradiata), cá thu Nhật (Scomberomorus), mực.

Các loại hải sản này không cạnh tranh với hàng Nga ở thị trường nội địa, mà ngược lại sẽ bổ sung cho các mặt hàng hải sản vùng nước lạnh phía Bắc. Về vận chuyển thì các mặt hàng này nên vận chuyển bằng đường biển trong container lạnh...

Ông Kirill nhấn mạnh, Việt Nam có cơ hội rất lớn để gia tăng xuất khẩu nông sản, thủy hải sản, thực phẩm. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực hơn nữa trong việc xúc tiến hàng hóa của mình sang thị trường Nga./.

Ngọc Quỳnh 
TTXVN/Vietnam+


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn