Việt Nam có khả năng vươn lên vị trí thứ hai châu Á về tiêu thụ thịt heo vào cuối năm 2021, chỉ sau Trung Quốc.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam có khả năng sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt heo vào cuối năm 2021, chỉ sau Trung Quốc.
Sự phát triển của ngành chăn nuôi heo thịt Việt Nam là động lực chính của ngành thực phẩm trong nước.
Sản lượng thịt heo dự kiến tăng lên 4 triệu tấn vào năm 2025, trước khi đạt mức 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với tốc độ tăng trưởng bình quân năm 3,1% trong giai đoạn 2021-2030.
Hiện, thịt heo hiện đang là thực phẩm chiếm tỷ lệ áp đảo trong giỏ tiêu dùng thực phẩm hàng ngày của người dân Việt Nam.
Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT năm 2020, thịt heo chiếm tới 65 – 70% trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình, trong khi thịt gia cầm chỉ chiếm từ 15 – 20%, số còn lại là thịt bò và thủy hải sản, theo báo Kinh tế Đô thị.
Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối tháng 9, tổng đàn heo cả nước ước đạt gần 27 triệu con, tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đạt 3 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Hầu hết, Việt Nam sản xuất thịt heo chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa. (Ảnh: Gutafood)
Mặc dù quy mô chăn nuôi heo của Việt Nam đã gần phục hồi bằng mức trước dịch tả heo Châu Phi nhưng nhập khẩu thịt heo vẫn tăng.
Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 110 nghìn tấn, trị giá 255 triệu USD, tăng 70% về lượng và tăng 67% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thịt heo được nhập khẩu từ Nga chiếm 41%, Brazil chiếm 14%, Canada chiếm 12,5% và Ba Lan chiếm 5%.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết thực tế lượng thịt heo nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 4 - 5% tổng lượng thịt cả nước nên không đáng lo ngại việc nhập khẩu thịt heo tới nguồn cung trong nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh sức tiêu thụ thịt heo đang giảm mạnh khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến các khách sạn, nhà hàng, bếp ăn tập thể gần như đóng cửa dẫn đến nguồn cung dư thừa.
"Cùng với việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do vận chuyển khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng khiến cho lượng heo ứ đọng tại các chuồng trại rất nhiều. Do đó, khả năng thời gian tới sẽ nhập khẩu rất ít", ông Trọng nhận định.
Hoàng Anh
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.