Kẹt cảng khiến nông sản xuất khẩu bị ảnh hưởng lớn

Xuất khẩu nông sản của các doanh nghiệp Việt đang chậm lại do kẹt cảng, thông quan chậm. Hầu hết nhân sự tại các cảng ở Việt Nam và thế giới đều chỉ duy trì hoạt động ở mức 50% nên mọi hoạt động xuất nhập khẩu đều chậm. Cùng với cước vận chuyển tăng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang gặp vấn đề gần đây là các hãng tàu tự hủy booking. 

Chia sẻ tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản Đồng Tháp sáng 16/10, ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái cây đang vô cùng khó khăn trong xuất khẩu.

Theo ông Tùng, kẹt cảng ở nhiều nước trên thế giới đang ảnh hưởng nghiêm trọng trong xuất khẩu. Đặc biệt, thời gian vận chuyển kéo dài cũng đang khiến hàng hoá nhập khẩu bị hư hỏng.

Ông Tùng dẫn chứng, hàng xuất Mỹ, vận chuyển hơn 3 tuần, nhưng mất thêm khoảng 3 tuần nữa để nhập kho do hải quan các nước chỉ làm việc 50% nhân sự do ảnh hưởng dịch bệnh. Với thị trường Trung Quốc, trước đây thông quan chỉ 4-5 ngày thì nay tăng 7-8 ngày. Việc thông quan chậm và kéo dài như trên ảnh hưởng đến chi phí và chất lượng hàng xuất.

Do đó, ông Tùng đề nghị Bộ Nông nghiệp cần có buổi làm việc với cơ quan Hải quan Trung Quốc để tháo gõ khó khăn cho doanh nghiệp. Song song đó, Bộ cần tích cực đàm phán để sầu riêng xuất chính ngạch của Việt Nam vào Trung Quốc.

Xoài của nhà vườn ở Đồng Tháp. Ảnh: Nam Lê

Ngoài khó khăn trong thông quan, kẹt cảng, thiếu container rỗng, ông Tùng cho biết nông sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng trong năm nay và 3 tháng cuối năm chất lượng thiếu ổn định, người dân không đảm bảo được khâu chăm sóc. Do đó, sắp tới có thể dẫn tới thiếu hàng xuất khẩu và nguy cơ mất thị trường.

Cùng với ông Tùng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây khác cũng cho biết, hiện nay dịch bệnh vẫn khiến hoạt động xuất khẩu gặp khó. Hầu hết nhân sự tại các cảng ở Việt Nam và thế giới đều chỉ duy trì hoạt động ở mức 50% nên mọi hoạt động xuất nhập khẩu đều rất chậm. Về phía các doanh nghiệp cũng đang gặp hàng loạt vấn đề khó khăn về nhân công, tài xế, kho bãi, chi phí vận chuyển tăng cao, đặc biệt cước vận chuyển container vẫn tiếp tục tăng khiến doanh nghiệp khó chồng khó. Hiện tại, cước vận chuyển container đến các cảng của Mỹ đã gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với cước vận chuyển tăng, theo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vấn đề gặp gần đây là tình trạng các hãng tàu tự hủy booking (đặt chỗ) của khách hàng tăng cao. Hiện, Covid-19 tại khu vực phía Nam cũng khiến các hãng tàu cắt chuyến và giảm chuyến về Việt Nam, gây nguồn cung thiếu hụt. Do đó, các đơn hàng đi châu Âu, Mỹ khá khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu cho các doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp cho biết sẽ có buổi trao đổi với phía Hải quan Trung Quốc vào tuần tới để thúc đẩy nhanh việc thông quan cho nông sản Việt Nam. Riêng với vấn đề kẹt cảng, đây là tình hình chung nên doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường xuất khẩu để có hướng đi hợp lý.

Về phía doanh nghiệp, ông Tùng cho biết, thời gian tới, công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa. Công ty sẽ tiếp tục đàm phán để đưa nông sản vào các siêu thị lớn. Ngoài ra, Vina T&T đang dự định kết hợp đưa các đoàn khách quốc tế du lịch, tham quan vườn trồng, đặc sản vùng miền tại Đồng Tháp. Đây là chương trình được công ty lên ý tưởng từ 2 năm trước, và đã quảng bá tại Mỹ, Australia. Mục đích là kích hoạt nhu cầu tìm hiểu văn hóa Việt Nam của khách nước ngoài, sau khi thưởng thức trái cây, giúp tăng giá trị thặng dư cho ngành nông nghiệp.

Theo VnExpress


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn