Hơn 11 nghìn ha lúa ở Nghệ An nguy cơ thiệt hại do mưa bão

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra công tác ứng phó với bão số 8 tại Nghệ An ngày 13/10. Hiện Nghệ An còn hơn 11 nghìn ha lúa chưa thu hoạch.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ghi nhận tình hình thực tế tại Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Nhiều hồ đập, lắm mối lo

Thực hiện kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, ngày 13/10, Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn đã làm việc, ghi nhận tình hình thực tế tại Nghệ An.

Trước đó, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ chiều ngày 13 - 14/10, bão số 8 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Trung Bộ, trọng điểm là Nghệ An và Hà Tĩnh. Bán kính gió mạnh cấp 6 rất rộng (350 - 500 km), tốc độ di chuyển nhanh (20 - 25km/h), vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã ban hành nhiều công điện để các địa phương, cơ quan ban ngành và nhân dân sẵn sàng phương án.

Qua ghi nhận thực tế, toàn tỉnh Nghệ An có 1.061 hồ đập lớn nhỏ. Đáng lưu tâm khi 1.035 hồ đã đầy nước, 23 hồ đạt trên 70% dung tích thiết kế. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã cho phép mở cửa tràn Hồ Vực Mấu (Thị xã Hoàng Mai) để điều tiết đưa mực nước hồ xuống cao trình +19,80m nhằm chủ động đón lũ, phòng lũ. Mực nước hồ ghi nhận lúc 7h ngày 13/10 là: 20,26 m/21,0m (MNDBT), hiện đang mở điều tiết với lưu lượng 4 m3/s…

Qua rà soát, hiện tại trên địa bàn Nghệ An có 5 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu tâm. Chi tiết hơn, điểm Yên Xuân từ Km74+600 đến Km78+660, đê Tả Lam ghi nhận hệ thống kè và các mỏ hàn bị xói lở mạnh, nhất là phần hạ lưu của cầu Yên Xuân.

Tình trạng này khiến cho kè bị sụt mái, xói chân, bờ sông bị lở mạnh. Điều đáng nói, do ảnh hưởng của trận lũ cuối tháng 10/2020, riêng đoạn kè từ K76+940 đến K77+020 với chiều dài 80m bị trôi hoàn toàn.

Kế đó là điểm Phú - Khánh Km80+600 - Km82+650. Đây là điểm đê trực diện với hợp lưu của hai nhánh sông Lam và sông La, do đó dòng chảy có xu hướng thẳng góc với đê, đoạn dòng chủ lưu chỉ cách chân đê (10-15)m, mặt khác khi lũ lớn thì đà gió từ 5 đến 15km gây sóng lớn nguy hiểm cho hệ thống công trình.

UBND tỉnh Nghệ An đã cho phép mở tràn Hồ Vực Mấu để điều tiết nước. Ảnh: Việt Khánh.

Trong khi đó, trọng điểm Hoà Lạc Km58+500 - Km61+000 vốn là đoạn thân đê cao, dễ sạt lở phần mái đê; trọng điểm Phượng Kỷ Km9+000 - Km10+600 có điểm chỉ cách chân đê từ 30 - 35m, dòng chủ lưu uy hiếp kè và bờ sông, chênh lệch cao trình đáy sông và đỉnh đê khá lớn, đáy sông (-1,0) đỉnh đê (+20,0) nên xẩy ra xói lở bờ sông và sạt mái đê; trọng điểm Cẩm Thái Km21+000 - Km22+300 có đặc điểm mái kè liền mái đê, chênh lệch độ cao giữa mặt đê và chân kè khá lớn, khoảng từ 8,0m đến 11,0m, dòng chảy sát đê…

Về thủy sản, toàn tỉnh Nghệ An có 3.438 phương tiện/17.190 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Để đảm bảo an toàn cho các ngư dân và tàu thuyền, tỉnh đã ban hành công điện cấm tàu thuyền ra khơi từ 0 giờ ngày 10/10. Lúc này tỉnh đang tăng cường chỉ đạo kiểm tra việc neo đậu, bảo đảm an toàn khi bão số 8 đổ bộ.

Về nuôi trồng thủy sản, tỉnh có tổng diện tích đang nuôi lên đến 18.009 ha (diện tích nuôi nước ngọt 17.062 ha; nuôi biển 126 ha; nuôi nước lợ: 821 ha)… Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, tỉnh kiên quyết chỉ đạo “tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè” khi có bão, mưa lũ.

Về sản xuất nông nghiệp, đáng lưu tâm là diện tích hơn 11.060 ha lúa hè thu mùa còn ở trên đồng. Quan điểm của ngành nông nghiệp là tận dụng, khẩn trương thu hoạch theo tiêu chí “xanh nhà hơn già đồng”…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh tinh thần đảm bảo "mục tiêu kép", vừa ứng phó bão số 8 vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Việt Khánh.

Sau khi kiểm tra tình hình thực tế tại Hồ Vực Mấu (Thị xã Hoàng Mai), khu neo đậu Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu), hệ thống Đê Tả Lam (huyện Hưng Nguyên), Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Cơn bão số 8 được xem là một trong những cơn bão lớn từ đầu năm đến nay. Tôi đề nghị các bộ phận quản lý, điều hành các hồ nắm sát lưu lượng, diễn biến mưa để điều hành hiệu quả, an toàn, phải đảm bảo mục tiêu kép vừa ứng phó bão số 8 vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19".

Chủ động di dân

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã chủ động xây dựng 5 kịch bản sơ tán dân vùng ven biển phòng tránh nước dâng do bão. Hiện đang ứng với kịch bản bão cấp 9 kết hợp triều dâng 2 đến 3m, dự kiến phương án di dời tại chỗ là 16.200 người, sơ tán đến chỗ ở khác 2.000 người (Quỳnh Lưu: Di dời tại chỗ 400 người; thị xã Hoàng Mai: Di dời tại chỗ 500 người; Diễn Châu: Di dời tại chỗ 12.500 người, sơ tán đến chỗ ở khác: 2000 người; Nghi Lộc: Di dời tại chỗ 1.200 người; thị xã Cửa Lò: Di dời tại chỗ 1600 người).

Tại khu vực miền núi, Nghệ An cũng xây dựng phương án di dời dân khi có thiên tai tại 33 vị trí sạt lở đất có thể ảnh hưởng đến 612 hộ /3044 nhân khẩu. Hiện trong số các điểm sạt lở này có 6 vị trí đang tiến hành xử lý theo hình thức xã hội hóa, 3 điểm đã bố trí một phần kinh phí để khắc phục, 24 vị trí sạt lở còn lại đã có các giải pháp “xử lý trước mắt” để giảm thiểu thiệt hại như san, gạt, giảm tải trọng cung trượt.

Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất những ngày tới là rất nguy hiểm tại Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Thời gian qua, lực lượng lao động của Nghệ An từ miền Nam trở về rất nhiều, để tạo chủ động trong quá trình cách ly tỉnh đã tiến hành rà soát lại các điểm sơ tán (nhà trường, ủy ban, nhà văn hóa...), đảm bảo khu cách ly và khu sơ tán tách biệt nhau.

Khẩn trương sửa chửa, nâng cấp công trình trọng yếu

Để ứng phó hiệu quả với diễn biến phức tạp của thiên tai, việc phân bổ kinh phí nhằm sửa chữa, nâng cấp một số công trình trọng điểm là nhiệm vụ cấp bách lúc này.

Dựa trên tình hình thực tế, Nghệ An kiến nghị Trung ương, Bộ NN-PTNT bố trí, hỗ trợ kinh phí thực hiện tại vị trí xung yếu Yên Xuân Km74+600 - Km78+660, thuộc hệ thống đê Tả Lam, đây là trọng điểm loại I. Dự kiến kinh phí đề nghị hỗ trợ là 150 tỷ.

Hai là chấp thuận chủ trương đầu tư Xây dựng Công trình điều tiết nước trên sông Cả, đồng thời giao cho tỉnh Nghệ An (chủ đầu tư là Sở NN-PTNT) thực hiện dự án. Công trình có tổng kinh phí khoảng 500 tỷ đồng, giai đoạn thực hiện từ 2022 - 2025. Vị trí dự kiến xây dựng thuộc các xã Hồng Long và Xuân Lâm, Huyện Nam Đàn.

Công trình này có nhiệm vụ đảm bảo an ninh nguồn nước trên sông Cả, nâng cao mực nước để đảm bảo cấp nước cho 24.400 ha đất canh tác, đồng thời tăng khả năng chống hạn hệ thống thủy lợi Nam Hưng Nghi và Thành phố Vinh vào mùa kiệt. Sau nữa là kết hợp, tạo nguồn cấp cho phát triển công nghiệp, du lịch.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Nghệ An trong công tác ứng phó bão số 8. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan bởi diễn biến thời tiết rất cực đoan, mọi rủi ro nhỏ nhất đều có thể xuất hiện, đặc biệt là vừa ứng phó thiên tai vừa đối phó dịch bệnh, lại phải sắp xếp trước làn sóng di cư của đồng bào trở về từ các tỉnh phía Nam. 3 trong 1, sức ép đặt ra rất lớn, do đó phải thực hiện với tinh thần chu đáo, đồng bộ, chủ động, nhanh chóng, đặc biệt là không được chủ quan, lơ là.

Việt Khánh


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn