Hà Nội sẽ đánh giá, phân hạng hơn 540 sản phẩm đăng ký OCOP

Hà Nội đánh giá, phân hạng tổng số 541 sản phẩm thuộc năm nhóm ngành, gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ trang trí, vải, may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng.

Khách hàng mua sắm tại cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. (Ảnh minh họa. Dư Toán/TTXVN.)

Theo Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới thành phố Hà Nội, trong quý 4 này, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố cho khoảng 541 sản phẩm đăng ký tham gia của ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trên cơ sở đánh giá lần một, những sản phẩm đủ minh chứng, đạt tiêu chí theo quy định, Hội đồng OCOP cấp thành phố sẽ tổ chức đánh giá, phân hạng lần hai và tổng hợp báo cáo trình Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định, cấp giấy chứng nhận theo quy định...

Đối với các sản phẩm tiềm năng "năm sao," thành phố sẽ báo cáo, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia.

Theo kế hoạch, có 26 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố sẽ được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với tổng số 541 sản phẩm thuộc năm nhóm ngành, gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ trang trí, vải, may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng.

Số đơn vị cấp huyện có sản phẩm tham gia nhiều nhất là Hoài Đức với 50 sản phẩm, tiếp đến là quận Hà Đông 42 sản phẩm. Các huyện Chương Mỹ, Đông Anh, Sơn Tây có khoảng 40 sản phẩm mỗi đơn vị. Những nơi có sản phẩm đăng ký tham gia ít nhất là quận Hoàng Mai và Long Biên, mỗi đơn vị có hai sản phẩm.

Huyện Quốc Oai có 31 sản phẩm tham gia dự thi đánh giá phẩm hạng OCOP; trong đó có sáu sản phẩm đạt ba sao và 25 sản phẩm đạt bốn sao, tập trung vào ba nhóm ngành thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến, đồ uống của các hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn.

Tiêu biểu là 11 sản phẩm điêu khắc gỗ của nghệ nhân Hoàng Doãn Sơn đến từ xã Tân Phú; miến dong làng So, xã Cộng Hòa của hộ sản xuất Vương Đắc Thỏa; thịt gà đen Hmong của Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Hòa Phú, xã Đông Yên; bột ngũ cóc dinh dưỡng MinMin của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ dinh dưỡng MinMin Việt Mam (xã Cấn Hữu)...

Ông Phạm Quang Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Quốc Oai, cho biết huyện có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng. Chương trình OCOP chính là động lực để nâng tầm thương hiệu sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm lợi thế của huyện và hoàn thành Chương trình OCOP theo mục tiêu đề ra; góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.

Đánh giá về sản phẩm dự thi OCOP của huyện Quốc Oai, bà Vương Thị Kim Thắm - Giám đốc Công ty cổ phần sông Đà Kinh Bắc, đơn vị tư vấn cho các chủ thể, nhận xét các sản phẩm đều có chất lượng rất tốt. Tuy nhiên, do chủ thể là các gia đình, hợp tác xã... quy mô sản xuất nhỏ nên chưa chú trọng quan tâm đầu tư nhiều cho mẫu mã, bao bì sản phẩm. Đơn vị tư vấn đã giúp các chủ thể thiết kế, in tem nhãn bao bì hiện đại, thẩm mỹ để hấp dẫn hơn; hướng dẫn chủ thể sắp xếp, hoàn thiện hồ sơ chứng minh chất lượng sản phẩm, viết câu chuyện giới thiệu sản phẩm để chinh phục khách hàng...

Là đơn vị có 11 sản phẩm tham gia OCOP được chấm điểm bốn sao, nghệ nhân Hoàng Doãn Sơn (xã Tân Phú) cho biết Tân Phú có nghề mộc truyền thống và nay các sản phẩm được tham gia đánh giá, phân hạng OCOP sẽ là minh chứng cho chất lượng và thương hiệu của làng nghề.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nghề dựng nhà cổ của Tân Phú kỳ vọng sẽ được thị trường trong và ngoài thành phố biết đến, giúp người dân có thêm việc làm và thu nhập./.

Nam Giang
TTXVN/Vietnam+


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn