Hà Lan là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt hơn 99 triệu USD, chiếm 19% tổng sản lượng xuất khẩu thủy sản vào EU.
Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam hiện đã đáp ứng được những yêu cầu về IUU trong nửa đầu năm nay.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với những ưu đãi lớn về thuế đã và đang giúp mặt hàng thủy sản Việt Nam bước đầu tận dụng cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường, bất chấp những khó khăn về dịch bệnh.
Một số thị trường ghi nhận mức tăng cao
Về thị trường, theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, trong nhiều năm qua, Hà Lan là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại EU. Hiệp định EVFTA có hiệu lực được kỳ vọng tác động mạnh tới kết quả xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Hà Lan với những ưu đãi về thuế đối với các nhóm hàng thủy sản.
EVFTA với những ưu đãi lớn về thuế đã và đang giúp mặt hàng thủy sản Việt Nam bước đầu tận dụng cơ hội.
Giai đoạn trước khi EVFTA có hiệu lực, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Hà Lan năm 2016 đạt 204,1 triệu USD, tăng 22% so với năm 2015 và lần lượt đạt 307,4 triệu USD vào năm 2017, 296 triệu USD năm 2018, 215 triệu USD năm 2019. Trong đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Hà Lan giảm liên tiếp trong 2 năm 2018 và 2019 là do chịu ảnh hưởng bởi “thẻ vàng” khiến cho xuất khẩu thủy sản khai thác tới EU giảm mạnh.
"Gió đổi chiều" sau khi EVFTA có hiệu lực khi xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới thị trường Hà Lan trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Hà Lan tăng nhẹ so với năm 2019 cho dù dịch Covid-19 tác động xấu tới nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Hà Lan. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Hà Lan giai đoạn cuối năm 2020 đã bứt phá khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Hà Lan tăng 7,4% về lượng và tăng gần 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 19.900 tấn với trị giá 99,2 triệu USD, chiếm hơn 19% về lượng và chiếm hơn 20% về trị giá xuất khẩu thủy sản tới EU, là thị trường có tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại EU.
Hoặc tại thị trường Đức, tôm các loại chiếm hơn 50% về lượng và chiếm gần 73% về trị giá; cá ngừ các loại chiếm hơn 25% về lượng và chiếm 14% về trị giá; cá tra, basa chiếm gần 16% về lượng và chiếm 7,1% về trị giá trong tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Đức trong 6 tháng đầu năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Đức đạt 14.600 tấn, trị giá 91,9 triệu USD, tăng gần 16% về lượng và tăng gần 19% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Trước đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Đức tăng trong năm 2017 và 2018, nhưng giảm trong 2 năm tiếp theo 2019 và 2020 do nhóm hàng thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu tới EU chịu ảnh hưởng bởi “thẻ vàng” IUU.
Đến nay, nhờ EVFTA, nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam đã tận dụng cơ hội để xuất khẩu sang Đức như Tôm đông lạnh thuộc giống “Penaeus”, hun khói, còn nguyên vỏ hay không, bao gồm cả tôm còn vỏ, nấu chín bằng cách hấp hoặc đun sôi trong nước… đều có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng.
Tiêu thụ thuỷ sản bình quân đầu người của Đức trong năm 2020 khoảng gần 14kg/người/năm, mặc dù mức tiêu thụ thuỷ sản này không cao so với bình quân tiêu thụ thuỷ sản thế giới, nhưng ngày càng nhiều người dân Đức nhận thấy việc tiêu thụ thuỷ sản rất có lợi cho sức khoẻ và lựa chọn tiêu dùng thuỷ sản cũng tiện dụng như các sản phẩm thịt khác.
Đức với dân số 83,8 triệu người và là quốc gia phát triển nhất trong Liên minh châu Âu, nên nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Đức sẽ tăng trong thời gian tới, do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu của Đức tăng. Do đó, các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng giá trị xuất khẩu sang Đức và sẽ tận dụng tốt EVFTA với những sản phẩm xuất khẩu thủy sản chủ lực mà Việt Nam có lợi thế như tôm, cá ngừ...
Đâu là mặt hàng chủ đạo?
Đối với những mặt hàng chủ đạo, với những cam kết cắt giảm thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, nhóm sản phẩm cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu tới EU đã và đang có những lợi thế lớn. Tuy nhiên rào cản lớn nhất chính là đáp ứng được các yêu cầu về khai thác IUU của phía thị trường EU.
Những nỗ lực của các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp và ngư dân, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam hiện đã đáp ứng được các yêu cầu về IUU trong nửa đầu năm 2021. Đây được coi là “chìa khóa” để các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ các loại của Việt Nam tới thị trường EU trong quý II/2021 đạt 9.360 tấn với trị giá 45,05 triệu USD, tăng gần 44% về lượng và tăng hơn 60% về trị giá so với quý I/2021; tăng hơn 41% về lượng và tăng hơn 50% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung nửa đầu năm 2021, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tới thị trường EU đạt 15.870 tấn với trị giá 73,33 triệu USD, tăng hơn 39% về lượng và tăng gần 32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm hơn 15% về lượng và chiếm 15% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới EU.
Lộ trình thuế của EVFTA đối với mặt hàng cá ngừ: EU đã xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304) ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Đối với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS030487, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 3 năm, từ mức thuế cơ bản 18%. Với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ hấp (nguyên liệu để sản xuất cá ngừ đóng hộp), EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 7 năm, từ mức thuế cơ bản 24%. Riêng đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp (như cá ngừ ngâm dầu đóng hộp, đóng túi, các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ đóng hộp…), EU sẽ miễn thuế cho Việt Nam trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm.
Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu trong nửa cuối năm 2021, mặt bằng giá cá ngừ thế giới nói chung và tại EU nói riêng dự kiến tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu cá ngừ của EU hồi phục trong khi nguồn cung cá ngừ của thế giới còn hạn chế. Tuy vậy, sức ép cạnh tranh và những quy định, rào cản kỹ thuật vẫn đang và sẽ tiếp tục gây khó khăn cho ngành cá ngừ Việt Nam. Các đối thủ cạnh tranh quốc tế nói chung và ngay cả một số thị trường sở tại châu Âu nói riêng, hiện đang có xu hướng đưa ra quy định, tiêu chí khắt khe hơn đối với cá ngừ nhập khẩu vào thị trường châu Âu - thị trường lớn thứ 2 về nhập khẩu cá ngừ Việt Nam.
Bên cạnh đó, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam mặc dù được hưởng các ưu đãi thuế suất từ EVFTA nhưng mức giá cá ngừ EU nhập khẩu từ Việt Nam vẫn cao hơn so với nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác. Đồng thời, các nhà nhập khẩu cá ngừ EU luôn ưu tiên nhập khẩu những sản phẩm cá ngừ trong nội khối EU cho dù có mức giá cao hơn. Đây là những thách thức lớn trong thời gian tới khi các doanh nghiệp muốn đẩy mạnh thị phần cá ngừ tại thị trường EU.
Trong những tháng cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ tại EU đang có xu hướng hồi phục trở lại cộng với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan từ EVFTA sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tăng thêm tính cạnh tranh tại thị trường EU. Tuy nhiên, diễn biến của dịch Covid-19 tại thị trường trong và ngoài nước cùng với những ảnh hưởng của thẻ vàng IUU sẽ tiếp tục là những yếu tố tác động lớn nhất đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này. Hiện hoạt động sản xuất, nuôi trồng, chế biến thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan mạnh tại hàng loạt địa phương trên cả nước. Do vậy, cần triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho việc phục hồi và duy trì ổn định sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tận dụng tốt cơ hội thị trường trong thời gian tới.
Theo Tạp chí Công Thương
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.