Trung Quốc nới lỏng nhập khẩu nông sản từ châu Phi

Trung Quốc đang chuẩn bị mở rộng nhập khẩu nông sản từ châu Phi, các biện pháp chi tiết dự kiến ​​sẽ được tiết lộ tại diễn đàn thương mại sắp tới.

Người dân Kenya thu hái chè - mặt hàng nổi tiếng của nước này nhưng lại không nằm trong Top 5 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu sang Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Wu Peng, phụ trách Vụ các vấn đề châu Phi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói với tổ chức Dự án Trung Quốc châu Phi rằng Bắc Kinh đang thực hiện các biện pháp nhằm nới lỏng xuất khẩu nông sản từ lục địa này sang Trung Quốc, với các chi tiết sẽ được công bố tại diễn đàn Dakar.

Kenya là trường hợp điển hình cho thấy tình trạng mất cân bằng thương mại với Trung Quốc. Nổi tiếng với các sản phẩm chè, cà phê và hoa cắt cành, nhưng không có loại nào nằm trong số 5 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Kenya xuất sang Trung Quốc. Thay vào đó, 70% doanh số xuất khẩu của Kenya sang Trung Quốc là khoáng sản, mặc dù nguồn tài nguyên của Kenya có quy mô tương đối nhỏ.

Theo dữ liệu năm 2019 của Cơ quan Giám sát Đa dạng Kinh tế, các mặt hàng xuất khẩu chính của Kenya sang Trung Quốc là quặng titan, niobi, tantali, vanadi và zirconium, quặng sắt và quặng mangan. Các nhà cung cấp khoáng sản lớn nhất của Trung Quốc bao gồm Cộng hòa Dân chủ Congo, Angola, Nam Phi, Cộng hòa Congo, Zambia và Algeria.

Nhưng Bắc Kinh muốn giải quyết sự mất cân bằng thông qua các chính sách và ký kết các thỏa thuận thương mại giúp các nước châu Phi tăng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang Trung Quốc, theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nước này. Đây dự kiến ​​sẽ là vấn đề nổi bật trong Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi (FOCAC) lần thứ 21, do Senegal đăng cai.

Diễn đàn được tổ chức 3 năm một lần, và hiện ngày tổ chức chính thức vẫn chưa được định ra.

Wu cho biết Bộ Ngoại giao nước này đang làm việc với đối tác thương mại, cơ quan hải quan và các cơ quan khác để vạch ra các chính sách mới nhằm thúc đẩy nhập khẩu nông sản từ châu Phi và giúp giảm thâm hụt thương mại, nhưng ông từ chối tiết lộ chi tiết.

Wu nói nông nghiệp là chìa khóa của an ninh lương thực và các nhà chức trách Trung Quốc đang tìm các cách có thể "tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp châu Phi tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường Trung Quốc. Có rất nhiều sản phẩm của châu Phi có thể vào thị trường Trung Quốc, nhưng vẫn chưa đủ”.

Wu thông tin thêm, Trung Quốc muốn “đưa ra một số chính sách hoặc biện pháp đặc quyền hơn nữa để khuyến khích các công ty Trung Quốc nhập khẩu nhiều sản phẩm hơn từ châu Phi”.

Các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu thô, đồng, coban, quặng sắt và kim cương là các mặt hàng nhập khẩu chủ lực từ châu Phi của Trung Quốc. Trung Quốc mua chúng để đáp ứng nhu cầu công nghiệp và sản xuất. Đổi lại, châu Phi nhập khẩu máy móc, điện tử, dệt may và hàng tiêu dùng sản xuất từ ​​Trung Quốc.

Trung Quốc đã cam kết trong FOCAC 2018 rằng sẽ hỗ trợ các quốc gia châu Phi bằng cách mở rộng nhập khẩu - đặc biệt là ngoài tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn phải đối mặt với các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong việc tiếp cận thị trường tỷ dân.

Các thỏa thuận thương mại được ký kết giữa Trung Quốc và một số nước châu Phi đã bao gồm nông nghiệp, giúp thu hẹp thâm hụt thương mại vốn chủ yếu có lợi cho Trung Quốc - ví dụ, năm ngoái, giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang châu Phi đạt 114,22 tỷ USD, so với 72,75 tỷ USD hang hóa châu Phi xuất khẩu sang Trung Quốc. Số liệu thương mại này bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn do đại dịch gây ra, theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc.

Rwanda gần đây đã trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên xuất khẩu ớt khô sang Trung Quốc, sau khi doanh nhân trẻ người Rwanda Dieudonne Twahirwa đạt được thỏa thuận với hãng GK International của Trung Quốc để xuất khẩu 50.000 tấn sản phẩm ớt khô/năm trong vòng 5 năm - trị giá tổng cộng 500 triệu USD, hơn thế nữa Rwanda còn xuất khẩu được cà phê và chè sang Trung Quốc.

Twahirwa, Giám đốc điều hành của Trang trại Gashora chuyên xuất khẩu ớt, đã rất phấn khởi khi đạt được thỏa thuận. “Việc tiếp cận thị trường Trung Quốc có ý nghĩa rất lớn đối với tôi, vì nhu cầu rất lớn ở Trung Quốc, một thị trường bền vững và đáng tin cậy”, Twahirwa nói.

Trung Quốc là nơi có số lượng người tiêu thụ ớt khô lớn nhất thế giới và Twahirwa cho biết ông phải tuân thủ các yêu cầu an toàn của Trung Quốc, “không chỉ công ty của chúng tôi mà Rwanda cũng phải tuân thủ các hệ thống an toàn thực phẩm của Trung Quốc”.

Các sản phẩm khác có nhu cầu cao ở Trung Quốc bao gồm cỏ ngọt, bơ, tôm càng và thịt bò, tất cả đều phải trải qua các quy trình an toàn tương tự như ớt khô, Twahirwa cho biết.

Wu đã tweet vào tháng 8 rằng các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ làm việc với người dân Rwanda trong việc trồng và chế biến, để mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn qua các cơ sở xuất khẩu. “Hy vọng nhiều sản phẩm chất lượng hơn từ châu Phi sẽ được đưa đến Trung Quốc", Wu bày tỏ.

Trong phiên giao dịch trực tuyến hàng nông sản Trung Quốc-Châu Phi do Hunan Gaoqiao Grand Market tổ chức, hạt điều, hạt vừng, hạt tiêu và gia vị của Châu Phi được người mua Trung Quốc ưa chuộng nhất, và người mua Trung Quốc đã đặt các đơn hàng trị giá 5,1 triệu USD chỉ trong một ngày.

Năm ngoái, Tanzania đã được phép xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc do Bắc Kinh tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu hạt có dầu từ Mỹ và Brazil. Các giao dịch tương tự đã được thực hiện đối với bơ, trà, cà phê và hoa hồng từ Kenya, cà phê và đậu nành từ Ethiopia, các sản phẩm thịt bò từ Namibia và Botswana, trái cây từ Nam Phi và cà phê Rwanda.

Michael Chege, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Nairobi, cho biết châu Phi tìm cách vượt qua các khó khăn trong việc đa dạng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc, giống như cách mà châu lục này đang xây dựng các dây chuyền sản xuất xuất khẩu mới sang Liên minh châu Âu và Mỹ cho các sản phẩm hoa cắt cành và làm vườn khác từ Kenya và Ghana, cũng như dệt may và du lịch.

“Xuất khẩu của châu Phi sang Trung Quốc chủ yếu là các nguồn nguyên liệu thô như dầu mỏ, đồng, sắt và gỗ", Chege nói. “Có những rào cản thuế quan và phi thuế quan mà các sản phẩm châu Phi phải đối mặt khi thâm nhập thị trường Trung Quốc nhưng Bắc Kinh muốn đàm phán trên cơ sở từng quốc gia”.

Tuy nhiên, “cũng nên thừa nhận rằng các nước châu Phi không mang đến những sản phẩm đủ đa dạng và có tính cạnh tranh cao”, Chege kết luận.

Hương Lan
Theo SCMP


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn