Trung Quốc không thể 'không’ nhập khẩu ngô và đậu tương Mỹ

Việc Trung Quốc đảo tuyến nhập khẩu đậu tương sang Brazil được cho là "chiến thuật đối phó tạm thời" của Bắc Kinh, trong bối cảnh thương chiến với Mỹ chưa có hồi kết.

Số liệu nhập khẩu đậu tương trong tháng 8 của Trung Quốc là 10,44 triệu tấn, tăng so với con số 8,67 triệu tấn hồi tháng 7. Ảnh: THX

Theo các báo cáo, nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay đã ở mức 91,7 triệu tấn, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tổng số này, đậu tương của Mỹ chiếm tới 58% và ngô Mỹ là 18,3%, tương đương khoảng một phần ba tổng lượng đậu tương nhập khẩu của Trung Quốc.

Đó là nhận định của chuyên gia Zhang Xiaoping, giám đốc quốc gia về thị trường Trung Quốc tại Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Hoa Kỳ (USSEC). Ông Zhang dẫn chứng điều này từ chính tác động của bão Ida đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Mỹ là “không lớn như tưởng tượng”, khi các công ty Trung Quốc vẫn đặt hàng tới gần một triệu tấn đậu tương (đậu nành) của Mỹ, đồng thời cho rằng việc chuyển tuyến đến Brazil chỉ là một “chiến thuật tạm thời của Bắc Kinh”.

Theo đó, các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc đã đặt mua từ 4 đến 6 chuyến hàng đậu nành của Brazil vào đầu tuần này để giao vào tháng 10 và tháng 11, với lý do bão Ida làm hạn chế xuất khẩu của Mỹ.

Hãng tin Reuters đưa tin hôm thứ Năm tuần này, dẫn lời hai thương nhân nắm rất rõ về các giao dịch cho biết, động thái này là "một thương vụ bất thường trong thời kỳ xuất khẩu cao điểm của nhà cung cấp đối thủ là Mỹ".

Theo ông Zhang, bão Ida chỉ gây hư hại không đáng kể cho một số cơ sở xuất khẩu ngũ cốc của Mỹ và các chuyến hàng xuất khẩu tại khu vực duyên hải Vịnh Mexico (bao gồm các bang Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida) chỉ bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn.

Jiao Shanwei, tổng biên tập tạp chí cngrain.com, một trang web chuyên về tin tức ngũ cốc nói với Global Times hôm thứ Sáu rằng: “Cơn bão đã ảnh hưởng đến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trong gần một tuần và vẫn chưa hồi phục”.

Mặc dù bác bỏ việc mua hàng từ Brazil là "bất thường", ông Jiao tuy nhiên lưu ý rằng việc Trung Quốc đảo cánh sang mua đậu tương từ Brazil là khá bình thường trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung đậu tương của Trung Quốc.

Ngoài ra vị này cho rằng, kênh vận chuyển giao thương hàng hóa giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn đang bị ảnh hưởng phần lớn do tác động của giá cước tăng cao trong những tháng qua vì đại dịch Covid-19.

Trước đó, nhiều chuyên gia dự báo lượng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong năm nay sẽ đạt mức cao kỷ lục nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.

“Với nhu cầu của mình, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường mua đậu nành và ngô của Mỹ bắt đầu từ sau tháng 9”, ông Jiao nói.

Kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 2018, thị phần đậu tương của Mỹ ở Trung Quốc ngày một giảm dần và nhường chỗ cho các nhà cung cấp mới gồm Brazil và Argentina.

Song song đó, diện tích và sản lượng đậu tương sản xuất ở trong nước trong năm nay cũng đã được mở rộng và nâng cao hơn. Theo bản kế hoạch công bố hồi đầu năm của chính phủ Trung Quốc, năm nay diện tích trồng đậu tương của nước này sẽ được duy trì ở mức 93.333 km2.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu trong  niên vụ 2021/20221 sẽ đạt mức cao kỷ lục để đáp ứng cho nhu cầu ngành chăn nuôi trong nước và hoạt động sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản.

Hà Dương
(RT; Global Times)


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn