Tăng thị phần, tôm Việt vẫn bị cạnh tranh khốc liệt tại Mỹ

7 tháng đầu năm, nhập khẩu tôm của Mỹ từ Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Ecuador và Ấn Độ đã đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ và nhập khẩu tôm của Mỹ từ 2 thị trường cung cấp này dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm.

Theo Cơ quan Thủy sản Quốc gia Mỹ (NMFS), nhập khẩu tôm của Mỹ tháng 7 tăng 13,8% về lượng và tăng 30,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 83.000 tấn, trị giá 904,5 triệu USD, tăng tháng thứ 8 liên tiếp.

Tính chung 7 tháng đầu năm, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 518.700 tấn, trị giá 5,25 tỷ USD, tăng 27,4% về lượng và tăng 36,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

7 tháng đầu năm, nhập khẩu tôm của Mỹ từ Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần tôm của Ấn Độ trong tổng nhập khẩu của Mỹ ổn định so với cùng kỳ năm 2020, trong khi thị phần của Ecuador và Việt Nam tăng. Cụ thể, thị phần tôm của Ecudor tăng từ 15,4% lên 20,8%. Thị phần tôm Việt Nam tăng từ 6,9% lên 7,9%.

“Cũng phải chịu những tác động nặng nề do Covid-19 gây ra nhưng Ấn Độ và Ecuador đã nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ để giữ vững thị trường đầy tiềm năng này. Do đó, tôm của Việt Nam sẽ ngày càng phải chịu áp lực cạnh tranh mạnh hơn với 2 thị trường cung cấp này trên thị trường Mỹ”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá.

Thị phần tôm Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ đã tăng từ 6,9% trong 7 tháng đầu năm 2020 lên 7,9% trong 7 tháng đầu năm 2021. Ảnh: TTXVN

Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm, xuất khẩu tôm của Ecuador sang thị trường Trung Quốc gặp trở ngại do Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu tôm từ một số công ty chế biến lớn của Ecuador và luôn duy trì các biện pháp kiểm tra vệ sinh nghiêm ngặt để phòng chống Covid-19.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng gặp phải một số trở ngại khi các container từ Ấn Độ bị từ chối tại biên giới Trung Quốc.

Do vậy, Ecuador và Ấn Độ đã đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ và nhập khẩu tôm của Mỹ từ 2 thị trường cung cấp này dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm.

Ecuador có lợi thế vị trí địa lý gần với Mỹ, vận chuyển dễ dàng và đang nỗ lực nâng cao trình độ chế biến. Trước đây, Ecuador chỉ bán tôm nguyên con vì không có lao động chế biến, nay Ecuador tăng cường sử dụng lao động nữ từ các nước lân cận để nâng cao hoạt động chế biến.

Từ giữa tháng 9, Ấn Độ tăng thả nuôi trở lại khi giá tôm nguyên liệu tăng và số ca nhiễm Covid-19 có dấu hiệu giảm.

Trong khi cả 2 nguồn cung là Ấn Độ và Ecuador đều có chiến lược gia tăng thị phần trên thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về logistics, giá thuê container tăng liên tục, thiếu container và thời gian vận chuyển dài hơn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nông nghiệp nhận định, Việt Nam có lợi thế hơn về chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, tôm hấp, bóc vỏ rút chỉ lưng phục vụ phân khúc bán lẻ, phân khúc thị trường đang có nhiều tiềm năng khi xu hướng tiêu dùng thủy sản tại nhà của Mỹ ngày càng tăng.

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ trong các tháng cuối năm nay vẫn rất lớn để đáp ứng nhu cầu nội địa phục vụ các dịp lễ cuối năm. Tồn kho đang thấp, các nhà nhập khẩu Mỹ đang mua vào để đảm bảo nguồn cung sản phẩm. Các nhà bán lẻ cũng đang cố gắng đảm bảo nguồn cung trên thị trườngMỹ đến quý I/2022.

Dự báo, nhu cầu nhập khẩu những sản phẩm tôm có trị giá cao như tôm sú cỡ to sẽ tăng để phục vụ tiêu dùng trong các bữa tiệc gia đình cuối năm ở Mỹ. Tôm sú cỡ to lâu nay luôn là thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tăng thị phần trong những tháng cuối năm 2021.

Theo báo Hải Quan

*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn