Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tạo điều kiện lưu thông cho đội ngũ thu hoạch cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long để giải phóng lượng cá tồn đọng, tránh quá lứa dẫn tới thua lỗ.
Kiểm tra mã số được ứng dụng gắn chip điện tử vào cá để theo dõi cho sinh sản theo cặp bố mẹ, đảm bảo cho chất lượng con giống tốt nhất. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Các tỉnh sản xuất cá tra lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long... đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ, để giúp người nuôi cá tra tiêu thụ kịp thời, tránh quá lứa làm lãng phí thức ăn, tăng chi phí nuôi dẫn tới thua lỗ.
Qua khảo sát của phóng viên cho thấy, có đến 90% doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản không đủ khả năng sản xuất "3 tại chỗ," thiếu nhân công lao động nên phải dừng hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Khó thu hoạch
Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch COVID-19 bằng các biện pháp hạn chế người dân ra khỏi nhà, ai ở đâu, ở yên chỗ đó dẫn tới người nuôi không thể thu hoạch cá đang đến độ phải thu hoạch. Giống như con tôm, con cá tra cũng cần đội ngũ thu hoạch chuyên nghiệp để cùng tát ao, kéo lưới, giúp giữ được chất lượng cho con cá tra nguyên liệu.
Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, hiện nay có 90% doanh nghiệp chế biến cá tra tại thành phố Cần Thơ phải tạm dừng hoạt động, bởi các doanh nghiệp này không đủ điều kiện, kinh phí để thực hiện sản xuất 3 tại chỗ.
Trong khi đó, trong tháng 9/2021, thành phố Cần Thơ có 38.500 tấn cá tra đang chờ thu hoạch. Đồng thời, cùng với cái khó của doanh nghiệp, sản lượng cá tra này đành phải nằm chờ dưới ao vì lực lượng lao động trong ngành cá tra không được cấp giấy đi đường từ nhà đến nơi sản xuất cá.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long có trên 40% doanh nghiệp đăng ký sản xuất “4 tại chỗ,” nhưng trên thực tế có đến 2/3 số doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, còn 1/3 doanh nghiệp vẫn sản xuất nhưng rất khó khăn do không lo được cho lực lượng công nhân.
Thêm vào đó, lực lượng công nhân thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến" lại quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến của ngành cá tra.
Hiện các nhà máy sản xuất, chế biến cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thu mua nguyên liệu từ các tỉnh lân cận có nuôi cá, chứ không chỉ thu mua cá của người nuôi trong cùng địa phương. Thế nhưng, các địa phương đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16, cũng đồng nghĩa với việc di chuyển khó khăn, thu hoạch cá tra cũng không dễ dàng.
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, một thực tế tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là, cá tra đang quá lứa nằm chờ dưới ao, nông dân nguy cơ thua lỗ.
Khi công đoàn thu hoạch cá tra của Vĩnh Hoàn vào địa phương thu hoạch cá, lại phải bắt buộc cách ly 14 ngày, sẽ gây khó cho tiến độ thu hoạch, chế biến. Trong khi công đoàn thu hoạch cá tra đều đảm bảo các yếu tố dịch tễ, đã tiêm phòng vaccine, có giấy xét nghiệm đầy đủ khi di chuyển sang nhiều địa phương.
Thêm vào đó, hiện tại có những vùng như Sa Đéc (Đồng Tháp) không cho lao động thu hoạch cá tra vào ao nuôi để thu hoạch, "vùng xanh" còn nghiêm ngặt hơn "vùng đỏ.”
Đối với các địa phương này, Công ty Vĩnh Hoàn luôn có lực lượng lao động "3 tại chỗ" nhưng vẫn gặp khó khi thực hiện thu hoạch để Vĩnh Hoàn thu mua cá tra của người dân.
Hiện nay, áp lực của ngành chế biến, xuất khẩu cá tra để đáp ứng các đơn hàng cho khách hàng quốc tế, chuẩn bị nguồn thực phẩm đón Giáng sinh là rất lớn, trong khi đó, việc di chuyển của người lao động, việc tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Điều này như một sợi dây trói, trói các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra khi cơ hội thị trường đang mở ra.
Muốn "cởi trói"
Trước thực tế nhu cầu tiêu thụ cá tra của thế giới trong những tháng cuối năm, chuẩn bị nguồn thực phẩm dự trữ để đón Giáng sinh 2021, mà các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra trong nước đang ở tình thế “trói buộc” để ứng phó dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đang có kiến nghị Chính phủ giúp doanh nghiệp cởi trói, khôi phục sản xuất, tránh làm đứt gãy sản xuất cá tra trong nước, gây ra hệ quả đứt gãy cung ứng cho khách hàng quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cùng ngành của quốc gia khác chiếm lấy đơn hàng hiện nay.
Khu vực nuôi cá tra bố mẹ của Tập đoàn Việt-Úc. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Trước vấn đề này, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có Công văn kiến nghị lên Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải giúp gỡ khó cho sản xuất cá tra trong nước hiện nay.
Cụ thể, Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tạo điều kiện lưu thông cho đội ngũ thu hoạch cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giúp cho lực lượng thu mua có thể tập trung được lao động, vào được ao nuôi thu mua cá.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất 2%/năm đối với vốn vay cũ, thay vì chỉ giảm 0,5%/năm theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch COVID-19.
Đồng thời, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công Thương tăng định mức giảm tiền điện để cứu doanh nghiệp, giảm tiền điện bơm nước cho những hộ nuôi cá giống và nuôi cá thương phẩm.
Bên cạnh đó, hiệp hội cũng đã đề nghị với Ủy ban Nhân dân các tỉnh có sản xuất cá tra tăng cường tiêm vaccine cho công nhân, đồng thời kiến nghị Trung ương phân bổ vaccine về cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, để tiêm ngừa cho công nhân và lực lượng lao động trong toàn chuỗi ngành hàng, từ nuôi trồng, thu mua, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu, vì khu vực này đang có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp.
Thêm vào đó, Bộ Công Thương cũng cần có giải pháp bình ổn thức ăn chăn nuôi để giúp người nuôi cá tra vượt qua giai đoạn khó thu hoạch này; đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại để giải phóng lượng cá còn tồn đọng trong ao.
Hiện phần lớn cá vượt kích cỡ xuất khẩu và chất lượng không cao, Bộ Công Thương cũng tạo sự kết nối để phân loại kích cỡ có thể xuất khẩu thì đẩy mạnh xuất khẩu, loại vượt kích cỡ thì phân phối ở các chợ đầu mối và hệ thống siêu thị nội địa.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp phục hồi các trung tâm giống, trại giống bằng cách hỗ trợ cho các đơn vị này vay vốn đầu tư lại đàn cá giống. Có cá giống mới có cá thương phẩm. Nếu bắt đầu thả cá giống ngay từ tháng 10, tháng 11/2021 thì 8 tháng sau mới có cá thương phẩm đạt chuẩn xuất khẩu. Đây là vấn đề hết sức cấp bách của ngành hàng cá tra, ông Dương Nghĩa Quốc cho biết thêm./.
Hồng Nhung
TTXVN/Vietnam+
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.