Giá gà lông trắng xuống 6.000 đồng/kg, Nam bộ đang ế 9,3 triệu con gà

Giá gà lông trắng ở các tỉnh Nam bộ xuống thấp nhất chỉ còn 6.000 đồng/kg và khu vực này đang ế tới 9,3 triệu con gà đã đến thời kỳ xuất bán.

Đó là thông tin ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi, chia sẻ tại hội nghị sản xuất chăn nuôi, cung - cầu thực phẩm các tháng cuối năm 2021 do Bộ Nông nghiệp -Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ngày 1/9.


Do ảnh hưởng dịch Covid-19, trong 7 tháng năm nay, Cục Chăn nuôi ghi nhận giá gà, giá lợn hơi giảm mạnh so với cùng thời điểm năm 2020. Giá của nhiều sản phẩm ngành chăn nuôi bắt đầu giảm từ tháng 4, sang đến các tháng 5, 6, 7 thì tiếp tục giảm sâu hơn.

Hiện tại, giá lợn hơi từ 50.000 - 58.000 đồng/kg, có địa phương xuống dưới 50.000 đồng/kg; giảm mạnh, từ 20.000 - 25.000 đồng/kg so với cùng thời điểm 2020.

Còn ở các tỉnh phía nam, gà thịt lông màu hiện có giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, ở các tỉnh phía bắc khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, ở các tỉnh phía nam, do đứt gãy chuỗi cung ứng, Cục Chăn nuôi ghi nhận giá gà thịt công nghiệp lông trắng có nơi chỉ còn 6.000 - 10.000 đồng/kg, trong khi ở các tỉnh phía bắc khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Trọng, hiện nay, các doanh nghiệp chăn nuôi phía nam chỉ tiêu thụ được 5 - 10% gà công nghiệp lông trắng. Thống kê ở các tỉnh tây Nam bộ và đông Nam bộ, các địa phương đang có khoảng 9,3 triệu con gà lông trắng đã đến tuổi xuất chuồng nhưng tiêu thụ rất khó khăn. Trong đó, trên 4 triệu con đã quá tuổi, trong lượng mỗi con trên 3,8 kg.

Ông Trần Lâm Sinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết từ tháng 8, khi TP.HCM, Long An, Bình Dương siết chặt giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ gà lông màu, đặc biệt là gà lông trắng, giảm mạnh từ 30 - 40%, khiến việc tiêu thụ hiện rất bế tắc.

“Giá gà lông màu hiện nay là 28.000 đồng/kg, gà lông trắng chỉ còn 8.000 đồng/kg, và loại gà quá lứa, thải loại thì không bán được”, ông Trọng nói.

Cục Chăn nuôi cho rằng, giá nhiều sản phẩm chăn nuôi xuống thấp là do nhiều nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dừng hoạt động, nhu cầu tiêu thụ giảm. Nhiều cơ sở giết mổ, chế biến, các chợ đầu mối, chợ truyền thống... đóng cửa.

Ông Trọng cũng cho biết, Cục Chăn nuôi đã kiến nghị Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố phía nam nghiên cứu mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối vì đây là điểm cốt lõi ảnh hưởng mạnh nhất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ các địa phương.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, các địa phương chủ động đa dạng hoá kênh phân phối thực phẩm, đưa lên các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Nguồn: Báo Thanh niên

*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn