Giá cà phê hôm nay 20/9 trong khoảng 40.100 - 41.000 đồng/kg. Khối lượng xuất khẩu giảm từ 2 nhà sản xuất Robusta chính ở Đông Nam Á, tồn kho tại sàn liên tục giảm, và giá cước vận tải biển đang cao ngất ngưởng, đã đẩy cà phê London cao nhất 4 năm qua.
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.100 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.900 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.900 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.800 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.900 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.800 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.800 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giữ ổn định so với cùng thời điểm hôm qua. Tổng kết tuần trước, giá cà phê trong nước tăng 1.500 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2021 tăng 44 USD/tấn ở mức 2.151 USD/tấn, giao tháng 1/2022 tăng 31 USD/tấn ở mức 2.121 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 1,75 cent/lb ở mức 186,4 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 1,7 cent/lb ở mức 189,2 cent/lb. Giá cà phê Robusta thiết lập mức cao mới trong 4 năm qua.
Tổng hợp tuần trước, thị trường London có 5 phiên tăng liên tiếp. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 11 tăng tất cả 103 USD, tức tăng 5,03 %, lên 2.151 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2022 tăng tất cả 83 USD, tức tăng 4,07 %, lên 2.021 USD/tấn.
Thị trường New York có 2 phiên tăng và 2 phiên giảm. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm tất cả 1,65 cent, tức giảm 0,88 %, xuống 186,40 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 giảm tất cả 1,55 cent, tức giảm 0,81 %, còn 189,20 cent/lb.
Theo các chuyên gia, thông tin về lượng mưa đầu mùa Xuân ở vành đai cà phê Brazil chưa đủ để cải thiện độ ẩm mặt đất nhưng cũng đủ khiến giá cà phê Arabica sụt giảm trở lại. Bên cạnh đồng Reais suy yếu đã khuyến khích người Brazil đẩy mạnh bán hàng xuất khẩu. Báo cáo của Safras & Mercados cho biết họ đã bán hơn 60% sản lượng vụ mùa vừa thu hoạch xong.
Trong khi đó, báo cáo khối lượng xuất khẩu giảm từ 2 nhà sản xuất Robusta chính ở Đông Nam Á, tồn kho tại sàn liên tục giảm, trong bối cảnh mối lo nguồn cung cà phê sang các thị trường tiêu dùng lớn bị đình trệ vì dịch bệnh Covid-19 biến chủng mới lây lan khắp nơi và giá cước vận tải biển đang cao ngất ngưởng, đã đẩy giá cà phê kỳ hạn London lên mức cao 4 năm qua.
Hiện nay, Việt Nam sắp bước vào thời gian thu hoạch vụ mới. Tuy nhiên với tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên đang đặt ra khó khăn cho vấn đề thiếu lao động thu hái cà phê.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, vụ thu hoạch cà phê kéo dài trong khoảng 3 tháng cuối năm nay, lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 40 - 50%. Còn lại lực lượng lao động thu hái cà phê đến từ ngoại tỉnh như các năm trước hiện nay thiếu hụt, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Còn báo cáo của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cho hay, địa phương đang có trên 97.000ha cà phê. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch khoảng hơn 80.000ha. Thường vào vụ thu hoạch, nhân công các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... đổ về hái khoán cà phê. Nhưng nay do dịch Covid-19, phong tỏa nhiều nơi sẽ khiến việc đi lại khó khăn hơn, nhiều chủ vườn lo ngại thiếu nhân công. Mọi năm Gia Lai thu hút từ 7.000 đến 8.000 lao động ngoại tỉnh vào thời vụ này.
Để bảo đảm nhân công cho vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2021; đồng thời, bảo đảm thực hiện tốt việc phòng, chống dịch Covid-19, Sở NN&PTNT các tỉnh đề xuất địa phương, đặc biệt là các huyện có diện tích cà phê lớn tiến hành rà soát, thống kê diện tích, dự báo sản lượng cà phê thu hoạch trên từng địa bàn để nắm chắc diện tích, sản lượng và nguồn lao động của từng hộ dân.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các hộ neo đơn, các hộ có người mắc kẹt ở vùng dịch không về được. Thành lập các tổ, đội, nhóm hộ để thực hiện đổi công. Rà soát lực lượng lao động trên địa bàn có nhu cầu thu hái cà phê để giới thiệu cho các hộ nông dân thỏa thuận, thuê mướn hợp lý, tránh việc lợi dụng tình hình khan hiếm lao động để đẩy giá nhân công lên cao. Huy động các tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành lập các tổ, đội hỗ trợ các gia đình khó khăn thu hoạch…
Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ đặc thù, Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản đề xuất sự phối hợp từ Sở Lao động Thương Binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các trung tâm giới thiệu việc làm có giải pháp hỗ trợ các địa phương. Hội Liên hệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh đoàn phối hợp với các địa phương để huy động hội viên có các giải pháp hỗ trợ nhau trong công tác thu hoạch cà phê niên vụ 2021.
Nguồn: Công Thương
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.