Doanh nghiệp thủy sản muốn được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá điện tử

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP)- đơn vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này- kiến nghị cho doanh nghiệp được làm thủ tục cấp C/O (cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá) điện tử. Đây là biện pháp nhằm đảm bảo mục tiêu không tiếp xúc để phòng, chống dịch Covid-19 trong khi vẫn đảm bảo các thủ tục cần thiết phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu.

Doanh nghiệp thuỷ sản muốn cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá điện tử. Ảnh: Trường Thành Logistics.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP vừa có công văn gửi Bộ Công Thương về việc “Hỗ trợ doanh nghiệp được làm thủ tục cấp C/O bản điện tử và cơ chế các nước chấp thuận bản scan C/O”.

Ông Hoè cho rằng, từ thực tế diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều dịch vụ công cũng đã thay đổi phương thức sang online, điện tử hoá hoặc nộp bản gốc sau để đảm bảo mục tiêu không tiếp xúc, ưu tiên chống dịch, trong khi vẫn duy trì được các thủ tục cần thiết phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu.

Mặt khác, theo ông Hoè, nhiều dịch vụ, hoạt động cũng đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19, trong đó, chuyển phát bị gián đoạn hoặc tạm ngưng cung cấp dịch vụ.

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Hoè, doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản nói riêng và doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, dù rất khó khăn vẫn cố gắng duy trì trong khả năng có thể các đơn hàng xuất khẩu đã ký.

Theo ông, giấy chứng thư an toàn thực phẩm (C/H) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp điện tử từ tháng 7-2021 và chính thức có thư đề nghị các nước chấp thuận bản scan của giấy C/H cho các lô hàng trong bối cảnh Covid-19 vào ngày 25-8 vừa qua.

Tuy nhiên, C/O vẫn đang dùng bản giấy (bản gốc), nhưng việc cấp C/O trong nước hiện đang rất khó khăn. Bởi, trong bối cảnh việc di chuyển liên tỉnh bị siết chặt, nhất là ở những vùng bị phong toả nên rất khó cho việc mang C/O gốc đi nộp.

Theo ông Hoè, đối với C/O giấy, khi in ra, giám đốc doanh nghiệp phải ký và đóng dấu, sau đó, nộp giấy lên Phòng quản lý xuất nhập khẩu của Bộ Công thương hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) địa phương. Sau khi nhận hồ sơ, cán bộ cấp C/O ký vào, thì lúc đó mới xem là đã được duyệt.

Khi nhận được C/O, doanh nghiệp muốn gửi cho khách hàng cũng là cả vấn để, bởi việc chuyển phát quốc tế cũng bị hạn chế, theo ông Hoè.

VASEP cho rằng, để tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp có thể sử dụng bản scan C/O và được cơ quan thẩm quyền các nước chấp thuận, đơn vị này đề nghị Bộ Công Thương xem xét có văn bản gửi đến cơ quan thẩm quyền các nước chấp thuận bản scan (gửi bằng email) C/O được ban hành bởi các đơn vị của ngành công thương và VCCI.

Mặt khác, VASEP cũng đề xuất thống nhất quy trình cấp C/O như sau: doanh nghiệp làm thủ tục khai form C/O và scan các giấy tờ liên quan qua hệ thống online, sau đó gửi bản scan màu C/O (có chữ ký của giám đốc và con dấu của công ty) đến Phòng quản lý xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương hoặc VCCI. Tiếp theo, đơn vị cấp C/O sẽ gửi bản scan đã duyệt cho doanh nghiệp và doanh nghiệp dùng bản này để gửi cho khách hàng tại các nước nhập khẩu.

Về lâu dài, VASEP kiến nghị Bộ Công Thương xem xét việc sớm thiết lập cơ chế và thỏa thuận với các nước cấp C/O điện tử thay vì bản giấy như hiện nay. Đồng thời, mở rộng hơn cơ chế tự chứng nhận để số lượng các doanh nghiệp được tự chứng nhận nhiều hơn.

Trung Chánh
Kinh tế Sài Gòn online


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn