Cung cấp nông sản cho người dân vùng phong tỏa: Kinh nghiệm từ Vũ Hán

Ngoài việc đẩy mạnh sản xuất, chính quyền cho phép các xe tải chở lương thực, rau củ được cấp giấy phép đi lại và qua được các chốt kiểm soát ngoài thành phố.

Người dân Vũ Hán đi siêu thị mua lương thực trước ngày phong tỏa. Ảnh: Reuters.

Nhân viên bình thường cũng trở thành shipper

Tháng 1/2020, Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán để chống dịch Covid-19 lây lan. Chính quyền yêu cầu nông dân ở các địa phương khá đẩy mạnh sản xuất rau củ, tạo điều kiện cho xe vận chuyển nông sản cho Vũ Hán và phạt rất nặng những người tăng giá bán để trục lợi trong dịch bệnh.

Khi thông báo phong tỏa được đưa ra, người dân Vũ Hán đổ đến các siêu thị để mua hàng dự trữ. Theo mô tả của Reuters, tất cả những gì có trên kệ đều được mua hết. Tuy nhiên, hàng hóa nhanh chóng được bổ sung và không có hiện tượng thiếu lương thực xảy ra.

Thọ Quang là địa phương sản xuất rau lớn nhất Trung Quốc, nằm ở phía Đông tỉnh Sơn Đông. Khi Vũ Hán phong tỏa, chính quyền Trung Quốc đặt hàng Thọ Quang cung cấp 600 tấn rau tươi mỗi ngày cho nơi bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên.

Sunjiaji, một nông dân ở Thọ Quang nói với Reuters, anh được giao nhiệm vụ phải cung cấp 60 tấn dưa chuột trong vòng 7 tiếng để cấp cho Vũ Hán.

Trong khi đó, một quan chức địa phương có tên là Li cho biết: “Chúng tôi nhận được lệnh từ chính quyền thành phố vào lúc 11h đêm. Ngay lập tức chúng tôi yêu cầu nông dân thu hoạch dưa chuột và tập kết hàng trước 6h sáng hôm sau. Cuối cùng chúng tôi đã gom được 70 tấn dưa”.

Ở cấp độ cao hơn, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp để đảm bảo nguồn cung rau củ, thực phẩm dồi dào và giá cả ổn định.

Cụ thể, các xe tải chở lương thực, rau củ được cấp giấy phép đi lại và qua được các chốt kiểm soát ngoài thành phố. Ngoài ra, những siêu thị, người bán hàng nâng giá sẽ bị phạt nặng và công khai danh tính.

Wushang Group, hệ thống siêu thị bán lẻ mạnh nhất Vũ Hán với hơn 30 địa điểm cho biết thách thức lớn nhất của họ khi phong tỏa là thiếu shipper, các nhân viên bình thường cũng trở thành shipper và dùng cả ôto cá nhân để giao thực phẩm.

“Đêm 25/1, có 1.400 tấn rau củ từ Trùng Khánh được chuyển đến Vũ Hán và đến sáng hôm sau chúng tôi đã phân phối được 120 tấn hàng sau khi huy động hàng trăm nhân viên đi bốc dỡ và vận chuyển”, cô Gan, đại diện siêu thị cho biết và chia sẻ thêm mỗi nhân viên trung bình bốc được 1 tấn rau củ trong đêm hôm đó.

Tuy nhiên, cũng có nhiều siêu thị hoạt động kém hiệu quả trong thời gian phong tỏa ở Vũ Hán do mạng lưới shipper bị ảnh hưởng. Chịu tác động nặng nề nhất khi phong tỏa phải kể đến hệ thống chợ đầu mối ở Vũ Hán. Nguyên nhân là do lượng cấp cho các nhà hàng giảm mạnh, trong khi khả năng bán lẻ lại không cao.

Yuan, nhân viên trong khu vực bán rau của chợ đầu mối Baishazhou cho biết: “Chúng tôi có rất nhiều rau, nhưng phần lớn bị thối rữa vì không thể phân phối”.

Đi chợ online

Giữa lệnh phong tỏa, bị cấm không được rời khỏi khu dân cư, nhiều người dân Vũ Hán chỉ có thể kết hợp với những hàng xóm của mình để đặt mua hàng hóa, lương thực, thực phẩm theo nhóm thông qua các ứng dụng nhắn tin như WeChat, nhờ thế thực phẩm có thể được chuyển tới tận nhà cho họ.

Khi các biện pháp hạn chế nhằm ngăn Covid-19 ngày càng trở nên nghiêm ngặt, nhu cầu đối với dịch vụ giao đồ ăn theo nhóm đã tăng vọt. Với không ít người, tổ chức mua hàng theo nhóm là cách duy nhất giúp họ có được nhiều thức ăn hơn.

Tình nguyện viên đi chợ giúp dân ở những khu cách ly tại TP. Vũ Hán hồi năm 2020. Ảnh: Getty.

Các siêu thị và cửa hàng tạp hóa nhanh chóng xây dựng dịch vụ mua hàng theo nhóm trên ứng dụng nhắn tin WeChat. Trong các phòng chat, khách hàng có thể đặt mua bất cứ thứ gì, từ thịt, rau đến trứng hay sữa.

Guo Jing, một cư dân ở Vũ Hán, cho biết mua theo nhóm là cách duy nhất giúp cô đặt hàng được thực phẩm bởi cô không thể rời khỏi chung cư đang sống. Tại khu dân cư của Guo, một đơn hàng gồm 5 loại rau củ, trong đó có bắp cải non và khoai tây, có giá lên đến 7,11 USD.

“Bạn không được quyền lựa chọn ăn gì”, Guo, 29 tuổi, chia sẻ với hãng thông tấn AFP. “Bạn không còn cái gọi là sở thích cá nhân nữa”.

Nhận ra những điểm mạnh của việc mua sắm theo nhóm, một số quận ở Vũ Hán đã lập tức điều chỉnh các quy định liên quan đến việc giao hàng cho nhóm, cấm các siêu thị bán hàng cho cá nhân và yêu cầu các cộng đồng dân cư mua hàng tạp hóa với số lượng lớn.

Tuy nhiên, vẫn có những phàn nàn từ người dân về chất lượng và giá cả mặt hàng được giao khi đặt theo nhóm. David Dai, một cư dân sống ở vùng ngoại ô Vũ Hán, cho hay hành và cà chua anh cùng những người hàng xóm của mình đặt mua đều thối gần hết. Họ phải vứt đi 1/3 số thực phẩm mua về.

Tùng Đinh - Võ Việt
Nguồn: Reuters


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn