Chuỗi tập huấn Chương trình OCOP năm 2021

Chuỗi tập huấn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021 có sự tham gia trực tuyến của gần 63 tỉnh thành trong cả nước với hơn 2.400 người tham dự.

Chuỗi tập huấn với các chủ đề thiết thực về những điều cần biết về chương trình OCOP, phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ảnh: Phạm Hiếu.

Từ ngày 28/09/2021 đến 18/10/2021, Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp cùng Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung Ương và Tổ chức Đại học Pháp Ngữ (AUF) tổ chức “Chuỗi tập huấn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021”.

Chương trình có sự tham gia trực tuyến của gần 63 tỉnh thành trong cả nước với hơn 2.400 người tham dự bao gồm cán bộ quản lý chương trình OCOP ở các địa phương: cấp tỉnh, huyện; Chủ thể là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đã đang và sẽ tham gia chương trình OCOP.

Chuỗi tập huấn chương trình OCOP với các chủ đề thiết thực cho nhà quản lý, Chủ thể là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác của các tỉnh, thành phố về những điều cần biết về chương trình OCOP, phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng câu chuyện sản phẩm và chuẩn hóa sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

Đây là hoạt động được triển khai nhằm hỗ trợ các kiến thức về quản lý, đánh giá sản phẩm OCOP cấp địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP trên 3 phần chính của bộ tiêu chí đánh giá là: Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; Tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị; Chất lượng sản phẩm.

Chương trình sẽ được tổ chức theo từng chuyên đề, cụ thể bao gồm 11 chuyênđề:

Chuyên đề 1: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP): những điều cần biếtkhi tham gia chương trình.

Chuyên đề 2: Hướng dẫn phát triển sản phẩm gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Chuyên đề 3: Tập huấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cho sản phẩm OCOP.

Chuyên đề 4: Tập huấn xây dựng câu chuyện sản phẩm OCOP.

Chuyên đề 5: Tập huấn xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản.

Chuyên đề 6: Tập huấn xử lý sau thu hoạch.

Chuyên đề 7: Phương pháp và công cụ xây dựng mô hình HTX du lịch bền vững.

Chuyên đề 8: Hướng dẫn Bộ tiêu chí tham gia OCOP.

Chuyên đề 9: Hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ minh chứng tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Chuyên đề 10: Hướng dẫn chuẩn hóa các điểm du lịch cộng đồng và dịch vụ du lịch cộng đồng tham gia chương trình OCOP.

Chuyên đề 11: Ứng dụng chuyển đổi số trong chương trình OCOP

Việc tổ chức các chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của Chương trình OCOP, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất tham gia hiệu quả vào Chương trình OCOP.

Bên cạnh đó qua chương trình tập huấn sẽ góp phần nâng cao năng lực về sản xuất, gia tăng giá trị và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với nhu cầu của thị trường. Chương trình cũng là nơi tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện chương trình OCOP ở các cấp và các địa phương.

Phạm Hiếu


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn