Kết quả khảo sát của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy chỉ 30-40% doanh nghiệp lĩnh vực này có khả năng phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách xã hội. Một trong những nguyên nhân là khó quy tụ được công nhân lao động.
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.
Chỉ 30-40% doanh nghiệp thuỷ sản có khả năng phục hồi ngay sau giãn cách do thiếu hụt công nhân lao động. Ảnh: Trung Chánh
Theo khảo sát của VASEP, đối với những doanh nghiệp thuỷ sản tại các địa phương phía Nam, đến cuối tháng 8 chỉ có 30-40% doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ); 30-40% phải ngưng hoạt động và số còn lại tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy nhằm thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”.
Những đơn vị còn hoạt động “3 tại chỗ” cũng chỉ huy động được khoảng 30-50% so với tổng số lao động, khoảng 50-70% phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, khiến công suất chế biến giảm 50-60% so với trước. Còn công suất chung của cả vùng, ước đã giảm 60-70%.
Từ thực tế nêu trên, theo VASEP, chỉ 30-40% doanh nghiệp có đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, trong khi số doanh nghiệp còn lại (khoảng 60-70%) gặp rất nhiều khó khăn hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.
VASEP cho rằng việc phục hồi của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân, bao gồm chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy; khó khăn trong khâu vận chuyển; doanh nghiệp bị mất khách hàng vì giãn cách xã hội quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng.
Đặc biệt, theo VASEP, doanh nghiệp gặp khó trong kêu gọi lực lượng lao động quay lại như ban đầu, bởi công nhân đã quay về quê hoặc đang cách ly hay điều trị Covid-19.
Báo cáo của VASEP cũng cho thấy, tính đến tháng 7-2021, số lượng các đơn hàng tăng 10-20% so với năm 2020 do các thị trường nhập khẩu trên thế giới đều đã khôi phục trở lại. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8-2021, dịch bệnh Covid-19 lan rộng từ TPHCM xuống các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long khiến việc vận chuyển nguyên vật liệu cũng như thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục C/O và thủ tục cảng bị tác động, làm ảnh hưởng mạnh đến tiến độ sản xuất và giao hàng của doanh nghiệp.
Tính tới cuối tháng 8-2021, theo VASEP, có đến 40-50% các đơn hàng bị giao trễ hẹn và có khoảng 10-15% các đơn hàng bị hủy. Ngoài ra, nhiều nhà nhập khẩu đã cân nhắc tới việc tìm nguồn cung thay thế.
Trung Chánh
Sài Gòn Times
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.