Bình Định: nông nghiệp công nghệ cao thu hút nhà đầu tư

Tỉnh Bình Định đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong vòng 5 năm tới.

Liên tiếp những dự án vào nông nghiệp

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định hôm qua, 6-9, đã cấp giấy chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Fago. Dự án có vốn đầu tư 150 tỉ đồng đặt tại Khu công nghiệp Nhơn Hội – Khu A thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội.

Một dự án chăn nuôi tại Bình Định. Tỉnh miền Trung đang hướng đến thu hút dự án vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: IPC Bình Định

Công ty có trụ sở tại tỉnh Bắc Giang này sẽ đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi – thuốc thú y Fago Miền Trung. Khi đi vào hoạt động vào quí 2-2024, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm) với công suất 100.000 – 200.000 tấn sản phẩm/năm.

Được biết, vào năm 2019, công ty Fago đã khai trương nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Fago tại tỉnh Bắc Giang. Nhà máy công suất thiết kế 800 tấn/năm với 13 sản phẩm thức ăn chăn nuôi các loại gồm: Cám lợn, gà, vịt, cá…

Đây là dự án trong lĩnh vực nông nghiệp mới nhất được kêu gọi đầu tư tại Bình Định theo hướng ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất để có thể sản xuất những sản phẩm chất lượng, bảo vệ môi trường và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Nam Việt Hưng Bình Định tại Khu chăn nuôi tập trung xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh. Với vốn đầu tư 152,6 tỉ đồng, trang trại sẽ có  quy mô chăn nuôi 4.800 con heo nái sinh sản, cung cấp sản phẩm heo giống khoảng 95.000 heo con/năm khi giai đoạn một đưa vào hoạt động vào quí 2-2023.

Công ty Lanking Nano (Singapore) cũng vừa được chấp thuận đầu tư Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Hải Long Bình Định tại Khu công nghiệp Hòa Hội, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát.

Nhà máy có vốn đầu tư 15 triệu đô la, sản xuất thức săn gia súc, gia cầm và thủy sản. Công suất 200.000 tấn sản phẩm/năm, được chia làm 2 giai đoạn đầu tư và sẽ được đưa vào hoạt động quí 2-2024.

Ngoài những dự án mới trong năm nay, tỉnh Bình Định cũng thu hút nhiều dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi, trong 5 năm qua.

Hiện nay, tại Bình Định có hơn 10 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi, công suất thiết kế 2 triệu tấn/năm; 12 doanh nghiệp chăn nuôi heo bố mẹ quy mô từ 1.500 – 2.400 heo giống; sản xuất hơn 750.000 con heo thương phẩm/năm; 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ động vật tập trung theo hình thức cơ giới, quy mô giết mổ 500 con heo/đêm.

Trong đó, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước) là một trong những công ty lớn. Hiện nay, doanh nghiệp này đang đầu tư 3 dự án chăn nuôi gia cầm, để nâng công suất 125 triệu con gà giống thương phẩm một ngày tuổi vào năm 2025, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước châu Á với kỹ thuật chăn nuôi tự động và công nghệ chuồng trại theo hướng công nghệ cao. Ngoài ra, Bình Định còn có trang trại bò sữa Vinamilk Bình Định với quy mô 2.400 con. Công nghệ chuồng trại và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, vắt sữa tự động động với công suất hơn 10 triệu lít sữa/năm.

Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.

Tiềm năng đầu tư vào Bình Định vẫn còn rất lớn, bao gồm lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: IPC Bình Định

Tổng quy mô diện tích lập quy hoạch phân khu khoảng 406ha. Tính chất và mục tiêu của quy hoạch là hình thành khu công nghệ cao phát triển ngành tôm được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với địa hình ven biển huyện Phù Mỹ; khu sản xuất tôm giống, nghiên cứu quy trình nuôi, sản xuất tôm thương phẩm, chế biến thức ăn, chế biến tôm và các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, đào tạo, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ ngành tôm của tỉnh, miền Trung và cả nước.

Trong thời điểm phát triển khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nông nghiệp được xác định chính là “bệ đỡ” của nền kinh tế Bình Định. Chương trình hành động về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 – 2025” càng có vai trò quan trọng trong giai đoạn sắp đến.

Về trồng trọt, diện tích ứng dụng công nghệ thâm canh lúa cải tiến (SRI) đạt trên 5.000 ha; có từ 8.000 – 10.000 ha rau an toàn và hình thành chuỗi tiêu thụ, trong đó diện tích rau được chứng nhận VietGAP trên 100 ha. Với chăn nuôi, bò thịt chất lượng cao đạt 99.000 con (chiếm 30% tổng đàn); các con số tương ứng với đàn heo và gà là 242 nghìn con (chiếm 22%), 3,5 triệu con (chiếm 35%).

Về thủy sản, sản lượng khai thác xa bờ đạt 200 nghìn tấn, trong đó khai thác ứng dụng công nghệ cao 72.000 tấn. Sản lượng tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt 13.000 tấn. Tàu thuyền ứng dụng công nghệ cao chiếm 36% số tàu thuyền đánh bắt xa bờ; diện tích nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 30% diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.

Với lâm nghiệp, diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt 10.000 ha; diện tích rừng được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) là 10.000 ha.

Chương trình hành động cũng đặt ra chỉ tiêu xây dựng 25 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; xây dựng Khu chăn nuôi Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) thành vùng chăn nuôi công nghệ cao; xây dựng nhãn hiệu “Heo Hoài Ân”, “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”; tiếp tục phát triển nhãn hiệu “Gà Minh Dư” mang tầm quốc tế, hướng đến xuất khẩu.

Cụ thể, tại huyện Hoài Ân, địa phương được mệnh danh là “vựa heo lớn nhất miền Trung”, ngoài xây dựng vùng chăn nuôi heo an toàn, huyện này còn đầu tư xây dựng trung tâm mua bán động vật tập trung để quản lý cả đầu vào lẫn đầu ra của gia súc.

Hiện khu trung tâm mua bán động vật tập trung ở đây đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng với diện tích 2,5 ha tại thôn An Hậu (xã Ân Phong), xây dựng 1 số hạng mục cơ sở hạ tầng như tường rào cổng ngõ, hệ thống chiếu sáng, đường giao thông…

Bên cạnh đó, để góp phần xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao làm cơ sở để xây dựng thương hiệu thịt bò Bình Định, trong giai đoạn 2021-2025, Bình Định sẽ bố trí nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ.

Theo đó, tổng kinh phí đầu tư các hạng mục chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ trong 5 năm tới là hơn 62,5 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 20,717 tỉ đồng; ngân sách các địa phương hơn 14,226 tỉ đồng, vốn đối ứng của dân hơn 27,629 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, tổng đàn bò được thụ tinh nhân tạo trong giai đoạn 2021-2025 là 495.000 con; trong đó, nhóm bò Zebu nội hơn 161.000 con, nhóm bò chất lượng cao hơn 333.000 con. Ngân sách tỉnh và các huyện thị xã, thành phố sẽ hỗ trợ 50% kinh phí để mua vật tư thụ tinh nhân tạo bò gồm tinh đông lạnh và dụng cụ thụ tinh nhân tạo.

Phần mềm quản lý chống dịch bệnh nơi gia súc, gia cầm

Từ đầu năm nay, UBND tỉnh Bình Định đã triển khai thử nghiệm phần mềm quản lý đàn vật nuôi và dịch bệnh bằng công nghệ blockchain. Ngành chức năng tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu ý nghĩa, quyền lợi, trách nhiệm trong việc tham gia chương trình quản lý đàn chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi.Người chăn nuôi cũng sẽ nắm bắt cách thao tác ứng dụng trên điện thoại thông minh để báo cáo tình hình đàn vật nuôi, dịch bệnh và việc tiêu thụ, vận chuyển; thực việc chủ động, tự giác trong việc báo cáo số liệu chăn nuôi, dịch bệnh…Từ phần mềm nói trên, các cơ quan chức năng sẽ quản lý được tổng đàn vật nuôi thường xuyên trên địa bàn; có thông tin nhanh, chính xác về đàn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi; quản lý thông tin thống kê; nắm bắt được tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có những giải pháp kịp thời phòng, chống dịch bệnh.

Nhân Tâm
KTSG Online

*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn