Mức giá đường thô thế giới trung tuần tháng 8 đã đạt mức cao nhất trong 4 năm gần đây, kể từ năm 2017. Còn tại thị trường trong nước, giá đường cũng bắt đầu tăng từ giữa tháng do tác động kép của giá đường tăng trên thị trường quốc tế và khủng hoảng vận tải biển quốc tế.
Theo thông tin từ tổ chức ISO, trong nửa đầu tháng 8 cho thấy chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng có xu hướng tăng. Tuy nhiên nửa sau của tháng 8 đà tăng của đường thô đã bị kìm hãm còn đường trắng có xu hướng giảm nhẹ.
Chỉ số giá đường trắng ISO trung bình tháng 8 là 484,4 USD/tấn tăng so với tháng 7 là 453,3 USD/tấn và tháng 6 là 449 USD/tấn.
Giá đường thô giao ngay (được đo bằng chỉ số ISA) trung bình trong tháng 8 là 19,5 cent/lb tăng so với tháng 7 là 17,7 cent/lb và 17,4 cent/lb trong tháng 6.
Diễn biến giá đường thế giới trong tháng 7 (Nguồn: ISO. Đơn vị: cents/pound).
Giá cước tàu vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng vọt trong thời gian gần đây đã tiếp tục thu hẹp chênh lệch giữa giá đường trắng và đường thô bình quân trong tháng chỉ còn 54,9 USD/tấn so với 62,9 USD/tấn của tháng 7 và 65,3 USD/tấn trong tháng 6. Sự chênh lệch giảm này khiến cho hoạt động gia công đường luyện tiếp tục giảm hiệu quả.
Theo dữ liệu của tradingeconomics.com, mức giá đường thô thế giới trung tuần tháng 8 đã đạt mức cao nhất trong 4 năm gần đây (kể từ năm 2017).
Tại thị trường trong nước, tác động kép của giá đường tăng trên thị trường quốc tế và khủng hoảng vận tải biển quốc tế đã khiến cho đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng giá và lượng nhập khẩu giảm. Điều này khiến cho giá đường trong nước bắt đầu tăng từ giữa tháng.
Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng do giá đường đường thế giới đang ở mức cao nhất trong 4 năm gần đây cộng với chi phí vận chuyển quốc tế cũng đang ở mức rất cao, giá đường trong nước sẽ tiếp cận với giá đường trong khu vực và giá đường Thái Lan nhập khẩu có đóng thuế chống chống phá giá chống trợ cấp.
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.