Trong những ngày qua, giá lúa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long liên tục sụt giảm, một số nơi vùng sâu không có thương lái đến thu mua, nông dân trồng lúa như ngồi trên lửa vì vào mùa mưa mà lúa phải neo trên đồng.
Giá lúa giảm mạnh
Theo Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ lúa Hè thu năm nay khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuống giống được hơn 1,5 triệu ha, đến thời điểm này đã thu hoạch được trên 70% diện tích, tổng sản lượng ước đạt trên 6 triệu tấn lúa. Trà lúa còn lại đang trong giai đoạn chín rộ nông dân phải thu hoạch dứt điểm trong 15-20 ngày tới.
Nông dân khó tiêu thụ lúa gạo vì ít thương lái đến mua. Ảnh: TL
Kiên Giang là địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất vùng, trong đó diện tích gieo sạ vụ Hè thu đạt trên 280.000 ha. Trong những ngày qua bà con nông dân ở đây rất lo lắng vì giá lúa giảm mạnh nhưng rất khó bán.
Theo ông Lê Quốc Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, giá lúa tại địa phương hiện nay đã rớt xuống dưới 5.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với vụ Đông Xuân nhưng rất ít thương lái đến mua, nông dân rất sốt ruột vì đang mùa mưa bão, lúa không kịp thu hoạch sẽ đổ ngã, thiệt hại rất lớn.
Tại tỉnh Hậu Giang, tình trong trạng tương tự như vậy, ông Ngô Văn Luận, nông dân thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A cho biết, đầu vụ thương lái đặt cọc mua lúa với giá 4.300 đồng/kg tại ruộng nhưng đến khi gần thu hoạch thì đòi giảm giá xuống 4.000 đồng/kg mới vào mua, bằng không thì sẽ bỏ tiền cọc.
“Hiện nay giá phân, thuốc tăng vùn vụt, giá thành làm ra 1kg lúa đã trên 4.000 đồng nên nếu bán với mức giá này nông dân cầm chắc thua lỗ không còn vốn để đầu tư cho vụ sau”, ông Luận nói.
Ông Luận còn cho biết với quy định thương lái mua lúa, tài xế lái máy gặt đập liên hợp và người đi cùng khi đến địa phương phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ cho dù đã chích đủ 2 liều vắc xin cũng đã gây khó khăn cho thương lái đến mua lúa và rất khó kêu máy gặt đập đến thu hoạch lúa.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng xác nhận thông tin mà nông dân phản ánh là đúng, tuy nhiên đó là quy định bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế nên địa phương không thể nào làm khác được.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, An Giang cũng như các tỉnh khác ở trong khu vực ĐBSCL cũng có những khó khăn giống nhau trong tiêu thụ nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng. Ngoài khó khăn về thị trường, các đầu mối thu mua nông sản còn gặp khó khăn về vận chuyển do nhiều địa phương siết chặt kiểm soát dịch bệnh.
Để tháo gỡ khó khăn đó, ngày 30/7, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Công văn số 800/UBND-KTN cho phép các phương tiện vận chuyển lúa, gạo, nếp, cá rau củ và trái cây được phép lưu thông trong khung giờ từ 18 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau nhưng người điều kiển phương tiện, đi cùng phải đảm bảo quy định về phòng chống COVID-19.
Dự báo xuất khẩu gạo sẽ khả quan hơn
Theo thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), do cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là Ấn Độ đã đẩy mạnh xuất khẩu gạo trắng với giá rất rẻ làm cho thị trường thừa nguồn cung, giá giảm mạnh. Riêng gạo Việt Nam trong 6 tháng đầu năm giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm đã giảm đến hơn 100 USD/tấn xuống còn trên dưới 400 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo kỳ vọng tăng tốc vào cuối năm. Ảnh: An Hòa
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của VFA, tình hình đã được cải thiện đáng kể. Luỹ kế xuất khẩu gạo Việt Nam từ đầu năm đến giữa tháng 7/2021 đạt trên 3,3 triệu tấn, với trị giá xuất khẩu đạt trên 1,8 tỷ USD, tuy giảm hơn 10% về sản lượng nhưng chỉ giảm 0,15% về giá trị so với cùng kỳ. Điều đáng mừng là mặc dù giảm giá mạnh nhưng gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn còn cao hơn Thái Lan 10 USD/tấn, cao hơn gạo Ấn Độ và Pakistan khoảng 17 USD/tấn và sản lượng xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 7 với mức tăng trên 50% so với cùng kỳ.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng thư ký, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết, dù rất khó khăn do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư nhưng sản xuất lúa Đông Xuân, Hè thu ở ĐBSCL đã vượt khó để có được sản lượng tăng hơn cùng kỳ.
Do phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch nên việc thu mua, chế biến, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp rất khó khăn. Tuy nhiên, đây chỉ là khó khăn nhất thời còn về tổng quan thì tổng nhu cầu gạo trên thị trường thế giới sẽ tăng trong khi nguồn cung từ các quốc giá xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan sẽ giảm, đây là cơ hội để gạo Việt đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, với định hướng sản xuất gạo cao cấp hữu cơ với quy trình khép kín truy suất nguồn gốc thông qua mô hình cánh đồng lớn, công ty đã ký kết được nhiều hợp đồng lớn, trong đó có các hợp đồng xuất khẩu vào EU được ưu đãi thuế quan theo hiệp định EVFTA nên giá xuất khẩu vẫn giữ được ở mức cao và không lo đầu ra. Theo ông Bình, nếu ngành lúa gạo tái cấu trúc được theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô cánh đồng lớn, gắn kết chế biến xuất khẩu thì không còn bị động đầu ra kể cả trong khi gặp phải khó khăn do dịch bệnh như hiện nay.
“Giải pháp duy nhất để ngành hàng lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững, và chỉ cần khoàng 20 doanh nghiệp (thay vì hơn 200 doanh nghiệp như hiện nay) thực hiện được 1 triệu ha theo mô hình cánh đồng lớn liên kết thì ngành hàng lúa gạo của Việt Nam mỗi năm có thể thu về khoảng 8 tỷ USD chứ không phải chỉ trên dưới 3 tỷ USD như hàng chục năm đã qua’, ông Bình đề xuất.
Dưới góc nhìn của chuyên gia về xuất khẩu lúa gạo, ông Nguyễn Đình Bích cho rằng thời điểm khó khăn nhất trong xuất khẩu gạo là trong 4 tháng đầu năm, khi mà Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất tung ra hơn 8 triệu tấn gạo trắng với giá rẻ chưa từng thấy chỉ 354 USD/tấn.
Gạo Ấn Độ rẻ đến mức không chỉ khách hàng truyền thống của Việt Nam quay sang mua mà Việt Nam cũng nhập hàng trăm ngàn tấn gạo từ quốc gia này. Tuy nhiên, theo ông Bích hiện nay tiến độ xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang chậm lại, trong khi đó xuất khẩu gạo của Thái Lan dự báo sẽ chỉ ở mức 5,2-5,5 triệu tấn trong năm nay, tức giảm gần nửa triệu tấn so với dự kiến đầu năm. Thái Lan quyết định cắt giảm lượng gạo xuất khẩu là do giá xuất khẩu thấp, hạn hán mất mùa và đồng Baht mất giá. Do đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ có nhiều cơ hội tăng tốc.
“Với xu hướng lạc quan như nêu trên, kỳ vọng xuất khẩu gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục khởi sắc do mức giá chào xuất khẩu của Việt Nam đã khá cạnh tranh nếu so với các đối thủ Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan”, ông Bích nhận định.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, với việc Việt Nam không ngừng thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện, Việt Nam đã ký kết, thực thi 15 hiệp định thương mại tự do và 2 hiệp định đang trong quá trình đàm phán. Trong đó, các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được coi là các FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay với mức cắt giảm thuế gần như về 0% với lộ trình ngắn, đây là lợi thế để Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
An Hòa
Theo nhadautu.vn
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.