Ngoài việc thực hiện các giải pháp duy trì sản xuất nông nghiệp, các tỉnh Nam bộ cần triển khai các kế hoạch sản xuất có tính toán đến thời gian bình thường mới.
Tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đã khá hơn. Ảnh: Ngọc Trinh.
Nhiều nông sản vẫn đang gặp khó về tiêu thụ
Qua báo cáo từ các tỉnh gửi về Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT và thông tin của Bộ Công Thương, từ sau khi có giải pháp chỉ đạo của Bộ NN-PTNT tại cuộc họp ngày 7/8/2021 với các Sở NN-PTNT 19 tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, giá lúa tươi hiện nay tại các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã có xu hướng tăng trở lại sau khi giảm sâu ở thời điểm cuối tháng 7.
Tình hình tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long có khá hơn do các tỉnh tích cực tháo gỡ để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh công tác thu mua. Các địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho việc bố trí nhân công cũng như phương tiện trong việc thu hoạch lúa như áp dụng phân vùng xanh, vàng, đỏ cho mức độ nguy cơ dịch bệnh Covid-19, phối hợp trong việc điều phối máy gặt đập liên hợp giữa các tỉnh cho diện tích lúa đến thời điểm thu hoạch; có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp, những người tham gia khâu lưu thông hàng hóa được tiêm vacxin; tạo điều kiện kết nối thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân.
Tổ công tác 970 đang hỗ trợ việc kết nối máy gặt đập liên hợp giữa các tỉnh để hoạt động thu hoạch lúa Hè Thu muộn được đảm bảo bằng việc điều các máy gặt đập liên hiệp ở các tỉnh thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu (thu hoạch lúa đã gần xong), xuống các tỉnh khu vực bán đảo Cà Mau hiện vào vụ thu hoạch chính, đang rất thiếu máy gặt lúa.
Đối với cây ăn quả, vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều đến thu mua và tiêu thụ do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, dẫn đến giá bán trái cây thấp.
Cụ thể, cây thanh long đang thu hoạch chính vụ tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, giá bán thấp tại vườn đối với thanh long ruột trắng 2.000-3.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ 3.000-5.000 đồng/kg, với giá bán hiện nay nông dân sản xuất không có lãi, thậm chí những hộ đầu tư thâm canh cao đang bị lỗ.
Cây xoài đang cuối mùa vụ thu hoạch, sản lượng không đáng kể, tình hình tiêu thụ tương đối tốt, giá bán ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg với xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Với những vườn chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giá bán vẫn tương đối tốt. Các loại chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giá bán tại vườn thấp 2.000-4.000 đồng/kg. Tiêu thụ trong nước bắt đầu chậm lại do tác động của dịch bệnh.
Cây nhãn đang thu hoạch chính vụ, tiêu thụ chậm, gặp khó khăn do thiếu thương lái thu mua, một số nông dân phải để lưu trái trên cây, dẫn đến giá thu mua giảm khoảng 50% so với năm trước (nhãn Edor tại vườn 8.000-10.000 đồng/kg; nhãn xuồng cơm vàng 10.000-15.000 đồng/kg).
Giá chanh ở một số tỉnh có diện tích lớn như Long An, Đồng Tháp… đang ở mức rất thấp 1.500 - 2.000 đồng/kg. Thương lái thu mua ít.
Thị trường chăn nuôi vẫn đang tiếp tục khó khăn khi giá sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đang giảm. Cụ thể, thịt lợn hơi 50.000–54.000 đồng/kg (giảm 15,2-15,9% so tháng trước), thịt gà siêu thịt công nghiệp phổ biến thấp dưới 10.000 đồng/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000-28.000 đ/kg (giảm 19,1-19,2%). Với việc giảm mạnh cầu do giãn cách xã hội, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn cho các sản phẩm chăn nuôi lợn và gia cầm trong 1-2 tháng tới.
Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao càng làm cho người chăn nuôi khó khăn. Có thể thấy chỉ khi các địa phương, đặc biệt là thành phố lớn kiểm soát được Covid-19, việc thông thương thuận lợi hơn thì giá sản phẩm chăn nuôi (đặc biệt là gia cầm) mới hồi phục trở lại.
Các tỉnh Nam Bộ cần tạo điều kiện thuận lợi để duy trì sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Sáng.
Triển khai sản xuất có tính đến thời gian bình thường mới
Để duy trì sản xuất nông nghiệp ở Nam bộ, Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành Nam bộ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhân công, máy móc nhanh chóng thu hoạch lúa Hè Thu, khẩn trương xuống giống lúa Thu Đông theo lịch thời vụ, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản (tôm, cá tra); các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thu mua, vận chuyển, xay xát, chế biến, tiêu thụ nông sản được thuận lợi trong tình hình tuân thủ các quy định về phòng dịch ở địa phương.
Tăng cường vai trò của các HTX, mở các hình thức liên kết trong các chuỗi sản xuất nông sản, hình thành vùng nguyên liệu, kết nối cung cầu của tất cả các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương trong thời gian từ nay đến cuối năm. Hoàn thiện các liên kết trong thời gian tới, mở rộng liên kết rải vụ thu hoạch nông sản để chủ động cung ứng, hạn chế hiện tượng thừa cung ở một vài thời điểm trong năm, trước mắt là lúa gạo, rau màu, cây ăn trái và thủy sản trong năm 2021.
Sở NN-PTNT các tỉnh Nam bộ thành lập, củng cố, duy trì và phát triển Tổ công tác kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản tại địa phương, liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của Bộ NN-PTNT trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; tiếp tục hoàn chỉnh, phối hợp hoạt động dự tính, dự báo nông sản, hình thành, kết nối các nhóm thu mua theo ngành hàng tại địa phương và hỗ trợ việc tiếp cận nguồn cung nông sản trong thời gian tới.
Đặc biệt, Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh Nam bộ rà soát, triển khai các kế hoạch sản xuất nông nghiệp trong tình hình hiện nay có tính toán đến thời gian bình thường mới.
Trong đó, đẩy mạnh các giải pháp giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm chi phí trong tất cả các hoạt động của chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản song song với việc mở rộng diện tích, sản lượng hàng hóa nông sản đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn của nhà thu mua, tiêu dùng.
Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát vật tư đầu vào cho sản xuất, hạn chế tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả và các hoạt động thương mại khác có thể dẫn đến khan hiếm hoặc tăng giá cục bộ gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất cũng như lợi nhuận của nông dân.
Xây dựng phương án đảm bảo thực phẩm cho TP.HCM và Bình Dương
Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) xây dựng phương án 2 đảm bảo lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM và Bình Dương. Ảnh: Minh Sáng.
Đến ngày 20/8, đã có tổng cộng 1.218 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, gồm: rau củ 334 đầu mối; trái cây 316 đầu mối; thủy hải sản 438 đầu mối; lương thực 75 đầu mối; các mặt hàng khác 55 đầu mối.
Tổ công tác đang thí điểm gói combo 10kg/túi nông sản, được nhiều tỉnh, thành tham gia nhằm giúp nông dân tiêu thụ được nông sản đang ùn ứ tại tỉnh và giúp người tiêu dùng tại các khu cách ly, khu nhà trọ công nhân tiếp cận được nông sản tươi giá rẻ, bình quân 10.000 đ/kg. Chương trình này tạo ra nền kinh tế tuần hoàn (lấy thu bù chi) nhằm tận dụng nguồn vốn của xã hội để thích ứng lâu dài với ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính bền vững cao hơn các siêu thị 0 đồng hay quà từ thiện vì không cần tìm nhà tài trợ lâu dài.
Theo số liệu đăng ký từ các tỉnh, khả năng cung cấp về TP.HCM là 80.000 túi/tuần (800 tấn/tuần). Nếu có hỗ trợ vận chuyển thì khả năng cung cấp của hơn 1.200 đầu mối theo hình thức combo 10kg/túi có khả năng lên 120.000-150.000 túi/tuần, tương đương với 1.200 - 1.500 tấn/tuần.
Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 23/8 đến 6/9/2021, ngày 21/8/2021, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về việc đảm bảo cung ứng và phân phối cho người dân thành phố.
Lãnh đạo UBND TP.HCM đã cam kết đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân. Tuy nhiên, Tổ công tác Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổng cục Hậu cần của Bộ Quốc phòng vẫn xây dựng phương án 2, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM và tỉnh Bình Dương khi có chỉ đạo của Chính phủ và Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, với các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu như gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, rau củ quả, đảm bảo cung ứng cho người dân trong 15 ngày thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
Với dân số khoảng 10 triệu người, nhu cầu lương thực, thực phẩm hàng ngày của TP.HCM là rất lớn: gạo khoảng 1.980 tấn/ngày; rau củ quả 4.200 tấn/ngày. Hiện mỗi ngày thành phố tiêu thụ 1.032 tấn thịt các loại so với trước dịch (475,7 tấn thịt lợn; 475,2 tấn thịt gà; 81,4 tấn thịt trâu bò) và 1,8 – 2 triệu quả trứng.
Thanh Sơn
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.